Các ngân hàng bơm hơn 6 tỷ cổ phiếu lên sàn trong 8 tháng, vốn hóa chiếm 1/4 toàn thị trường
Ngân hàng lên sàn và tăng vốn
Tính đến ngày 27/8, thị trường chứng khoán Việt Nam (bao gồm các sàn HOSE, HNX và thị trường UPCoM) có tổng cộng 164,5 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, tăng 13,1 tỷ đơn vị so với ngày cuối năm 2020.
Riêng nhóm cổ phiếu ngân hàng có gần 43,2 tỷ đơn vị, tăng hơn 6 tỷ trong 8 tháng qua và hiện chiếm 26,2% toàn thị trường.
Ba nhà băng mới gia nhập thị trường chứng khoán trong năm nay là: Ngân hàng Phương Đông (Mã: OCB) đưa gần 1,1 tỷ cổ phần lên sàn HOSE, Ngân hàng Đông Nam Á (SeABank - Mã: SSB) niêm yết hơn 1,2 tỷ cổ phần tại HOSE, và Ngân hàng Việt Á (Mã: VAB) đăng ký giao dịch gần 445 triệu cổ phần ở thị trường UPCoM.
Các ngân hàng khác cũng tăng số cổ phiếu lưu hành thông qua việc trả cổ tức.
Ông vua tăng vốn là VietinBank (Mã: CTG). Ngày 25/8 vừa qua là ngày giao dịch đầu tiên của gần 1,1 tỷ cổ phần CTG mà VietinBank phát hành để trả cổ tức các năm 2017, 2018 và 2019 với tổng tỷ lệ 29,07%.
Hiện nay, VietinBank dẫn đầu ngành ngân hàng cũng như toàn bộ thị trường chứng khoán về số cổ phần đang niêm yết.
Đứng sau VietinBank là BIDV (Mã: BID) với 4,02 tỷ đơn vị đang lưu hành, không đổi so với đầu năm.
Ở vị trí thứ 3 là Ngân hàng Quân Đội (Mã: MBB) với gần 3,8 tỷ cổ phần niêm yết, tăng 980 triệu đơn vị so với đầu năm. Số cổ phiếu này được MBB phát hành để trả cổ tức năm 2020 và cũng được giao dịch lần đầu vào ngày 25/8 giống như cổ tức của VietinBank.
Trong những tháng cuối năm, nhiều ngân hàng sẽ tăng vốn và bơm thêm hàng tỷ cổ phiếu vào thị trường.
Cụ thể, BIDV có kế hoạch phát hành tổng cộng hơn 830 triệu đơn vị, bao gồm 207,3 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2019 (tỷ lệ 5,2%), 281,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2020 (tỷ lệ 7%), 341,5 triệu cổ phần chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ (tỷ lệ 8,5%).
Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (Mã: SHB) cũng dự định chào bán gần 540 triệu cổ phiếu theo tỷ lệ 28% cho cổ đông hiện hữu với dự kiến là 12.500 đồng/cp.
Kế hoạch tăng vốn khủng nhất thuộc về VPBank (Mã: VPB) khi nhà băng này dự định phát hành tối đa hơn 1,97 tỷ cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tương ứng tỷ lệ 80%. Trong đó, trả cổ tức bằng cổ phiếu là 62,15%, phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu là 17,85%.
Vốn hóa ngân hàng dần xuống dốc
Vốn hóa toàn thị trường chứng khoán tại ngày 27/8 là hơn 6,65 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 1,3 triệu tỷ đồng trong 8 tháng. Tổng giá trị các cổ phiếu ngân hàng là gần 1,69 triệu tỷ đồng, chiếm 25,3%.
Vào thời kỳ đỉnh cao hồi tháng 5 và 6, vốn hóa ngành ngân hàng lên tới khoảng 1,9 triệu tỷ đồng, chiếm 28-29% toàn thị trường. Trong khoảng hai tháng gần đây, cổ phiếu của các nhà băng không còn tiếp nối đà tăng như các tháng đầu năm và đã điều chỉnh đáng kể.
Cổ phiếu VIB của Ngân hàng Quốc Tế, BAB của Ngân hàng Bắc Á và CTG của VietinBank là những mã giảm mạnh nhất ngành ngân hàng trong ba tháng gần đây, làm nhà đầu tư thua lỗ từ 19 đến 21%.
Trong một tháng qua, các mã tụt sâu nhất là VIB, STB của Sacombank, SSB của SeABank, CTG và ACB với tỷ lệ từ 4% đến hơn 9%.