|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Các ngân hàng châu Âu đối mặt với nợ xấu tích tụ từ cuộc khủng hoảng COVID-19

06:00 | 23/04/2020
Chia sẻ
Các ngân hàng của châu Âu sẽ phải hạch toán hàng tỉ đô la các khoản cho vay tiềm ẩn rủi ro khó đòi cũng như lợi nhuận bị thu hẹp vì cuộc khủng hoảng Covid-19, khi họ bắt đầu báo cáo kết quả kinh doanh quí I/2020 trong vòng hai tuần tới.

Các ngân hàng khu vực này vốn đã chịu áp lực từ trước khi cuộc khủng hoảng virus xảy ra, với chi phí cao, lợi nhuận thấp và công nghệ lạc hậu phát sinh nhu cầu nâng cấp. Sáp nhập, hành động có khả năng giải quyết những vấn đề đó, rất khó để thực hiện được vì các rào cản quốc gia.

Các ngân hàng lớn nhất của Mỹ, tại báo cáo kết quả kinh doanh công bố trong tuần trước, cho biết đã hoạch toán 25 tỷ đô la thua lỗ trong hoạt động tín dụng tại quý đầu tiên của năm nay, đặt ra câu hỏi về việc liệu các ngân hàng châu Âu có cùng chung tình trạng hay không.

Các ngân hàng châu Âu đối mặt với nợ xấu tích tụ từ cuộc khủng hoảng COVID-19 - Ảnh 1.

Hôm thứ Tư, UniCredit của Ý trở thành ngân hàng lớn đầu tiên của khu vực đồng euro thông tin về hoạt động tín dụng, qua đó phản ánh tác động kinh tế của Covid-19.

Ngân hàng lớn nhất của Ý tại bảng cân đối kế toán cho biết họ ghi sổ khoảng 900 triệu euro (976 triệu đô la Mỹ) khoản dự phòng rủi ro cho vay, được bổ sung trong quý đầu tiên.

Các nhà phân tích trong vòng 30 ngày qua đã điều chỉnh kỳ vọng của họ tăng gần 130% đối với các khoản dự phòng rủi ro cho vay trong năm 2020 của các ngân hàng chủ chốt ở châu Âu, theo một phân tích của Reuters.

Đồng thời, các nhà phân tích đã cắt giảm hơn 40% dự báo lợi nhuận cả năm của họ với các ngân hàng đó, bao gồm các ngân hàng toàn cầu như HSBC, BNP Paribas và Deutsche Bank.

Các nhà quản lý cho biết họ sẽ nới tay trong thực thi các quy tắc kế toán đối với các khoản cho vay rủi ro mất mát, nhưng sẽ gây áp lực với các ngân hàng châu Âu để họ phải nhìn nhận sát thực về rủi ro suy thoái đang đến gần.

Lợi nhuận thấp hơn so với các ngân hàng Mỹ sẽ có nghĩa là các ngân hàng châu Âu có ít hơn dư địa để đưa ra hành động đối phó với tình hình mới.

"Các ngân hàng châu Âu không có doanh thu và lợi nhuận cao để thiết lập dự phòng rủi ro cho những khoản tăng đáng kể như vậy", Rob Smith, đối tác dịch vụ tài chính tại KPMG, nói. "Hiện thực đó, đến lượt nó, sẽ quyết định cách tiếp cận với vấn đề của họ".

Mặc dù các ngân hàng không có nghĩa vụ pháp lý để buộc phải dự phòng rủi ro cho hàng loạt vấn đề phát sinh hiện nay, nhưng thận trọng là một khuyến nghị nên được quan tâm trong môi trường hiện tại.

Điểm yếu của các ngân hàng châu Âu trước sự bùng phát của dịch bệnh đã được Fitch lưu ý trong tuần này, tổ chức xếp hạng tín nhiệm cho biết họ đã thực hiện xếp hạng đối với 116 ngân hàng Tây Âu, theo đó kết quả chủ yếu là sửa đổi triển vọng thành tiêu cực.

Mùa báo cáo kết quả kinh doanh ảm đạm

Báo cáo kết quả kinh doanh của các ngân hàng châu Âu sẽ cung cấp một bức tranh khái quát về mức độ kinh doanh ảm đạm của họ trong giai đoạn của cuộc khủng hoảng virus corona. Bức tranh này sẽ đem đến những chỉ báo về triển vọng kinh doanh của họ trong năm nay khi quý đầu tiên đã đi qua không mấy tốt đẹp.

Hãng xếp hạng tín nhiệm S&P lưu ý, các thông tin và bình luận tại báo cáo quản trị công ty sẽ "tiết lộ thực tế nhiều hơn so với con số kết quả được công bố".

Các ngân hàng Ý - những nhà băng đã rất nỗ lực để xử lý các tồn tại từ cuộc suy thoái trước, được dự đoán sẽ bắt đầu tăng các khoản dự phòng tổn thất cho vay trong quý đầu tiên, trong bối cảnh nền kinh tế nước này thuộc nhóm dẫn đầu khu vực về suy thoái, mà theo ước tính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) có thể đạt -9,1% trong năm nay.

Các ngân hàng của Ý có tỷ lệ cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa cao nhất trong số các nhà cho vay châu Âu, vì vậy họ chính là những nhà băng bị ảnh hưởng nhiều nhất từ việc phong tỏa kéo dài, khi nước này đang phải đối phó với một trong những đợt bùng phát virus nguy hiểm nhất thế giới.

Morgan Stanley ước tính rủi ro từ khủng hoảng có thể "làm buồn lòng" các ngân hàng Ý với khoản vay có rủi ro tăng thêm từ 60 tỷ đến 80 tỷ euro (86,86 tỷ USD) trong vòng hai đến ba năm tới, tăng 45% so với hiện tại.

Các ngân hàng Tây Ban Nha cũng sẽ công bố về sự gia tăng các khoản dự phòng rủi ro, Nuria Alvarez, nhà phân tích tại công ty môi giới Renta 4 có trụ sở tại Madrid, nói.

Tập đoàn ngân hàng Santander cho biết hồi đầu tháng này trong một báo cáo rằng đại dịch có thể khiến họ "gặp phải tổn thất tín dụng cao hơn".

Các nhà phân tích cho rằng, nền kinh tế Tây Ban Nha đang gần như bế tắc sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các khoản cho vay thế chấp của ngân hàng, hiện chiếm tỷ trọng khoảng 40% dư nợ cho vay tiêu dùng của họ - danh mục tín dụng chiếm 8% tổng dư nợ cho vay.

Ngân hàng trung ương Tây Ban Nha cho biết hôm thứ Hai rằng nền kinh tế phụ thuộc vào du lịch này có thể giảm tới -12,4% trong năm nay nếu việc phong tỏa để kiểm soát Covid-19 kéo dài 12 tuần.

Với các ngân hàng Pháp, các yêu cầu đối với dự phòng tổn thất cho vay cao hơn vẫn có thể được đáp ứng, Jon Peace, một nhà phân tích tại Credit Suisse, cho biết.

Deutsche Bank là nhà cho vay lớn duy nhất ở châu Âu mà các nhà phân tích dự báo sẽ lỗ trong cả năm 2020, khi ngân hàng này đang phải trải qua quá trình tái cấu trúc tốn kém. Cuộc khủng hoảng đã khiến nhà băng này gặp khó khăn trong việc dự đoán khả năng đạt mục tiêu tài chính trong năm nay, sau nhiều năm thua lỗ.

M. Hồng