Các nền kinh tế ASEAN đồng loạt công bố kết quả tăng trưởng GDP quý I, cao hay thấp hơn Việt Nam?
Kinh tế Thái Lan tăng trưởng khả quan trở lại nhờ du khách Trung Quốc
Số liệu từ Hội đồng Phát triển Kinh tế và Xã hội Quốc gia (NESDC) Thái Lan vừa công bố cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á tăng trưởng 2,7% trong quý I so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng trưởng 1,4% trong quý trước.
Đà phục hồi của nền kinh tế phụ thuộc vào du lịch của Thái Lan đã tụt lại so với các nước trong khu vực do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Tuy nhiên, kinh tế Xứ Chùa tháp đã tăng trưởng khả quan trở lại trong những tháng gần đây khi du khách Trung Quốc quay trở lại.
Sự hồi sinh của "ngành công nghiệp không khói," chiếm 11-12% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), được kỳ vọng sẽ giúp bù đắp tác động từ việc xuất khẩu giảm.
Cơ quan kế hoạch nhà nước của Thái Lan dự báo kinh tế tăng trưởng 2,7-3,7% trong năm 2023, cao hơn so với mức 2,6% của năm ngoái.
Kinh tế Philippines tăng trưởng chậm nhất trong hai năm
Với Philippines, cơ quan thống kê nước này cho biết, trong quý I, kinh tế đạt mức tăng 6,4%, đây là mức tăng theo qúy chậm nhất kể từ quý I/2021 khi tăng trưởng GDP sụt giảm 3,8%.
"Tăng trưởng kinh tế quý I của Philippines giảm xuống mức thấp nhất trong hai năm do lạm phát tăng cao và lãi suất cao làm giảm tiêu dùng, nhưng một loạt dữ liệu tích cực, bao gồm tỷ lệ thất nghiệp giảm, cho thấy triển vọng lạc quan cho năm 2023", cơ quan này cho hay.
Ngay cả khi kinh tế Philippines mất đà trong quý I, nước này vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng 6-7% năm nay.
Dữ liệu của chính phủ cho thấy, tăng trưởng tiêu dùng hộ gia đình đã chậm lại trong quý thứ tư liên tiếp xuống còn 6,3%, phản ánh tác động của lạm phát. Tuy nhiên, Bộ trưởng Cơ quan Phát triển và Kinh tế Quốc gia, ông Arsenio Balisacan cho biết "mặc dù có nhiều rủi ro và thách thức, triển vọng kinh tế của Philippines trong ngắn và trung hạn vẫn vững chắc".
Ngoài ra, Ngân hàng trung ương đã báo hiệu có thể tạm dừng chu kỳ thắt chặt sau khi lạm phát giảm tháng thứ ba liên tiếp vào tháng 4 xuống còn 6,6%.
Vị Bộ trưởng cho hay tỷ lệ thất nghiệp của Philippines trong tháng 3 giảm xuống 4,7% từ 4,8% của tháng trước và từ 5,8% vào tháng 3 năm ngoái cũng là tín hiệu tốt cho nền kinh tế khi nước này đang dần phục hồi sau đại dịch.
Malaysia tăng trưởng 5,6%, vượt xa kỳ vọng
Ngân hàng trung ương Malaysia (BNM) ngày 13/5 cho biết, kinh tế Malaysia tăng trưởng 5,6% trong quý I, được thúc đẩy bởi nhu cầu trong nước, thị trường lao động và tiêu dùng tư nhân cải thiện.
Cơ quan này cũng giữ nguyên dự báo tăng trưởng cả năm đạt 4 - 5% nhờ nhu cầu nội địa mạnh mẽ bất chấp các bất ổn quốc tế.
Theo Thống đốc BNM, về mặt tích cực, hoạt động du lịch mạnh mẽ cùng việc thực hiện các dự án bao gồm cả những dự án trong ngân sách sửa đổi sẽ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế của Malaysia trong năm nay.
Ngoài ra, rủi ro đối với nền kinh tế có thể bắt nguồn từ xuất khẩu thấp do tăng trưởng toàn cầu yếu, và điều kiện thị trường tài chính toàn cầu biến động hơn.
Singapore tăng trưởng thấp nhất
Theo Bộ Thương mại và Công nghiệp (MTI) Singapore, tăng trưởng GDP của Singapore chỉ đạt 0,1% trong quý I/2023 do sụt giảm trong sản xuất, thấp hơn mức tăng 2,1% trong quý IV/2022.
MTI dự báo, tăng trưởng kinh tế của Singapore sẽ giảm tốc trong năm nay, ở mức 0,5% đến 2,5%. Mức tăng trưởng này thấp hơn mức tăng trưởng 3,6% được ghi nhận vào năm 2022.
Với Indonesia, theo Reuters, kinh tế Indonesia tăng trưởng nhanh hơn dự kiến trong quý đầu tiên năm 2023, do chi tiêu của người tiêu dùng và chính phủ bù đắp cho sự sụt giảm trong xuất khẩu và đầu tư vào nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đã tăng 5,03% trong quý I/2023.
"Chúng tôi nghĩ rằng nền kinh tế Indonesia sẽ gặp khó khăn trong những quý tới", nhà phân tích Gareth Leather của Capital Economics cho biết mới đây và nhấn mạnh nguyên nhân xuất khẩu suy yếu và tác động của việc thắt chặt tiền tệ. Ông dự báo nền kinh tế sẽ tăng trưởng 4,8% vào năm 2023.