|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Các địa phương nhập cuộc để tăng cung nhà ở xã hội

20:45 | 26/02/2024
Chia sẻ
Các địa phương được xác định đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển nhà ở xã hội nhất là khâu lập kế hoạch sát với nhu cầu thực tế, tạo quỹ đất sạch để đẩy nhanh tốc độ phát triển quỹ nhà ở này.

Dự án nhà ở xã hội CT 32 Trung Văn bao gồm 149 căn hộ tại lô đất HH 02A Đông Nam Từ Liêm. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Theo Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội,” giai đoạn 2021-2025, mục tiêu đặt ra là cả nước sẽ hoàn thành khoảng 428.000 căn hộ; trong đó, riêng năm 2024, tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 5/1/2024 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, Thủ tướng Chính phủ đã giao phải hoàn thành khoảng 130 nghìn căn hộ nhà ở xã hội.

Để đạt những mốc mục tiêu cụ thể này, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết đã cùng các bộ, ngành, địa phương vào cuộc sát sao, quyết liệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách một cách căn cơ, bài bản, nghiêm túc.

Mới đây, tại hội nghị triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” trong năm 2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cũng nhấn mạnh, việc thực hiện Đề án là bước khởi đầu, thí điểm, từ đó xác định tồn tại, khó khăn, rút ra bài học kinh nghiệm để thực hiện chính sách nhà ở cho mọi người dân ở thành thị và nông thôn, thể hiện bản chất ưu việt của chế độ.

Hiện nay, nhiều khó khăn, vướng mắc đã được giải quyết trong Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở năm 2023 vừa được Quốc hội thông qua.

Bộ Xây dựng cùng với các bộ, ngành cần rà soát, phối hợp chặt chẽ để tháo gỡ; đồng thời khẩn trương xây dựng những nghị định, thông tư hướng dẫn, đưa những điểm mới trong pháp luật đất đai, nhà ở… vào cuộc sống.

Đặc biệt, các địa phương được xác định đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát triển nhà ở xã hội nhất là khâu lập kế hoạch sát với nhu cầu thực tế, tạo quỹ đất sạch để đẩy nhanh tốc độ phát triển quỹ nhà ở này.

Khu cao tầng Jamona Apatment (quận 7, TP HCM) được xem là dự án xã hội có quy mô lớn nhất Nam Sài Gòn. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Một số đô thị lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM được xem là điển hình để có giải pháp tháo gỡ vướng mắc, hoàn thành mục tiêu Đề án và tạo lập quỹ nhà ở để “cung” theo kịp “cầu.”

 

Chia sẻ về việc phát triển nhà ở xã hội tại Thủ đô, Giám đốc Sở Xây dựng Thành phố Hà Nội Võ Nguyên Phong cho biết, Hà Nội đã phê duyệt Kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025; trong đó xác định mục tiêu phát triển mới khoảng 1,215 triệu m2 sàn nhà ở xã hội trên cơ sở Chương trình phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2030.

Hiện thành phố Hà Nội đã và đang triển khai 63 dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội với khoảng 61.900 căn hộ. Đến nay, đã có 5 dự án đã hoàn thành với khoảng 5.200 căn hộ. Thành phố cơ bản đáp ứng chỉ tiêu đã được Chính phủ giao.

Tuy nhiên, ông Võ Nguyên Phong cũng cho biết, thành phố vẫn còn gặp nhiều vướng mắc trong quá trình phát triển nhà ở xã hội liên quan đến trình tự thủ tục đầu tư xây dựng, về cơ chế ưu đãi…

Do đó, thành phố Hà Nội kiến nghị Bộ Xây dựng nghiên cứu, báo cáo Chính phủ trong quá trình xây dựng các Nghị định có quy định việc lựa chọn chủ đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội được thực hiện theo quy trình riêng theo hướng đơn giản hóa, rút ngắn trình tự, thời gian thực hiện.

Đồng thời, cần nghiên cứu quy định theo hướng cho phép sử dụng số tiền thu được tương đương giá trị quỹ đất ở 20% trong các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị thông qua Quỹ đầu tư phát triển của địa phương để đầu tư xây dựng hoặc cho vay với lãi suất ưu đãi.

Từ đó, các địa phương có quỹ riêng tạo nguồn vốn phát triển nhà ở xã hội, chủ động đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội theo chủ trương của Chính phủ, ông Phong phân tích.

Tương tự, giai đoạn 2021-2025, TP HCM đặt mục tiêu phát triển khoảng 35.000 căn nhà, tương ứng khoảng 2,5 triệu m2.

Trong giai đoạn này, thành phố có 91 dự án nhà ở xã hội với diện tích hơn 210 ha, quy mô dự kiến khoảng 98.685 căn hộ; trong đó có 49/91 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư.

Tuy nhiên, trong 49 dự án có đến 46 dự án được chuyển tiếp từ giai đoạn 2016-2020.

Năm 2024, TP HCM đặt mục tiêu cố gắng hoàn thành 3.398 căn nhà ở xã hội với 6 dự án đang triển khai và phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu 12.000 căn nhà ở xã hội vào 30/4/2025.

Liên quan đến cơ chế ưu đãi, ông Trần Hoàng Quân, Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM, đề xuất Bộ Xây dựng quy định cụ thể danh mục các hạng mục, công trình hạ tầng kỹ thuật trong dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở xã hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ đối với các dự án đã được quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, quyết định được phê duyệt dự án, chấp thuận đầu tư, đã có văn bản lựa chọn chủ đầu tư trước ngày Luật Nhà ở năm 2023 có hiệu lực thi hành.

Bởi đây là cơ sở để cơ quan nhà nước thực hiện đầu tư, hỗ trợ đầu tư nhằm thu hút nhà đầu tư tham gia phát triển nhà ở xã hội…

Thời gian tới, để tăng hiệu quả phát triển nhà ở xã hội, ông Quân cho rằng trong quá trình tham mưu xây dựng Nghị định của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội cần nghiên cứu đơn giản hóa và thống nhất việc thực hiện các thủ tục đầu tư cho loại dự án này.

Đồng thời, để đảm bảo chất lượng công trình xây dựng và phù hợp với tình hình thực tế về vật tư, nhân công và ca máy tăng cao hiện nay, TP HCM cũng đề xuất cho phép áp dụng suất vốn đầu tư xây dựng công trình nhà ở xã hội được áp dụng chung suất vốn đầu tư xây dựng công trình nhà ở thương mại. Như hiện nay, suất vốn đầu tư nhà ở xã hội đang thấp hơn 25% so với nhà ở thương mại là chưa hợp lý.

Tham gia “hiến kế” phát triển nhà ở xã hội, nhiều địa phương kiến nghị cơ quan chức năng sớm ban hành quy trình, trình tự, thủ tục thực hiện dự án phát triển nhà ở xã hội nhằm thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư tham gia; đồng thời, hướng dẫn quy trình lựa chọn nhà đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội.

Bên cạnh đó, các địa phương cũng mong muốn có cơ chế khuyến khích cụ thể về đất đai, tài chính… đối với hộ gia đình, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng nhà ở cho thuê theo mô hình nhà ở xã hội.

Ngoài ra, cũng cần đảm bảo điều kiện xét duyệt đối tượng thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội; xem xét lại quy định lợi nhuận định mức đối với nhóm dự án này… Có như vậy, việc phát triển nhà ở xã hội mới nhanh chóng đạt mục tiêu đề ra.

Thu Hằng