|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Các công ty bàn cách ngăn trục lợi bảo hiểm

14:58 | 25/08/2019
Chia sẻ
Thực tế có khách hàng mua bảo hiểm ở bảy, tám công ty. Nếu tính ra số tiền bồi thường do tai nạn tự thương khoảng 20 tỉ đồng.

Tại hội thảo Chia sẻ, trao đổi thông tin về lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ diễn ra ngày 24-8, ông Bùi Gia Anh, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, cho biết: Trong sáu tháng đầu năm, thị trường bảo hiểm Việt Nam tăng mạnh. 

Đối với lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, doanh thu sáu tháng đầu năm đạt hơn 48.000 tỉ đồng, tăng 28%. Doanh thu phí bảo hiểm toàn ngành đạt hơn 71.000 tỉ đồng, tăng 24,3%. Các doanh nghiệp (DN) bảo hiểm chi trả quyền lợi bảo hiểm với tổng số tiền là 18.653 tỉ đồng.

Các công ty bàn cách ngăn trục lợi bảo hiểm - Ảnh 1.

Ông Bùi Gia Anh, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, chia sẻ tại hội thảo.

Thông tin về tình hình thị trường, ông Ngô Trung Dũng, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, cho biết trong bảo hiểm có một nguyên tắc quan trọng là người tham gia bảo hiểm chia sẻ tất cả thông đến cá nhân, bệnh tật.

Trên cơ sở này, công ty bảo hiểm thẩm định, chấp nhận bán hay không chấp nhận bán… Điều này được quy định rõ trong Luật Bảo hiểm về trách nhiệm kê khai thông tin của người tham gia bảo hiểm.

Có những câu hỏi mà công ty bảo hiểm hay bị tranh chấp với khách hàng như: "Trong hai năm vừa rồi anh chị có tăng hay giảm 5 g hay không, nếu có thì tại sao”,  “Anh, chị hút thuốc lá/lào/xì gà hay không, nếu có thì bao nhiêu điếu/ngày”…

Hay những câu hỏi rất rõ ràng “bạn có đang mang thai không? Mang thai bao nhiêu lần”... vì khách hàng che giấu, không khai những thông tin, bệnh có sẵn, mắc bệnh rồi mới mua bảo hiểm…

Theo ông Dũng, tất cả trường hợp công ty bảo hiểm từ chối chi trả là liên quan đến việc khách hàng che giấu thông tin quan trọng về bệnh. Chẳng hạn, trong bảng câu hỏi, hỏi khách hàng từng đi khám bệnh, điều trị bệnh gì chưa, những căn bệnh liên quan đến tim, phổi, thận… thì những câu hỏi này người bệnh hay giấu.

Do đó có trường hợp khách hàng khi mua bảo hiểm được ba bốn tháng, xảy ra tử vong do các bệnh trên. Khi DN bảo hiểm điều tra, hóa ra người đó đã từng đi khám, được bệnh viện xác định bệnh nhưng che giấu thông tin. DN phát hiện ra thì từ chối chi trả, do khách hàng đã mắc bệnh sẵn mới đi mua bảo hiểm.

“Khi khách hàng kê khai thông tin bệnh, thấy có dấu hiệu nghi ngờ, DN yêu cầu khách hàng khám tổng quát. Tuy nhiên, điều này không thay thế cho việc kê khai không trung thực của người mua bảo hiểm” - ông Dũng nói.

Tranh chấp thứ hai xảy là có sự thay đổi nghề nghiệp, thay đổi nơi cư trú nhưng không thông báo. Đối với thay đổi nghề nghiệp. Ví dụ có người khi mua bảo hiểm làm nghề nông, nhưng sau đó đổi sang làm nghề đánh bắt xa bờ thì rủi ro khác nhau. 

Điều này có khi khách hàng không cố tình thì thực tế DN vẫn xem xét chi trả. Hoặc thay đổi nơi cư trú, khi khách hàng đang sống ở Việt Nam nhưng phải ra nước ngoài sinh sống ba tháng, theo quy định trước đó 30 ngày phải thông báo cho DN. Lúc này, DN bảo hiểm sẽ xác định việc thay đổi nơi cư trú có dễ xảy ra rủi ro hay không…

Liên quan đến kê khai thông tin không trung thực của khách hàng có phần lỗi do đại lý không thực hiện đúng quy định của công ty bảo hiểm; đã tư vấn không đầy đủ… Vai trò của hiệp hội trong chế tài đại lý này thế nào?

Ông Dũng cũng nhìn nhận việc nâng cao năng lực đại lý là vấn đề được các DN rất quan tâm. Trong sáu tháng đầu năm, có 3.000 đại lý bảo hiểm bị đưa vào danh sách đại lý vi phạm do chiếm dụng phí của khách hàng, chiếm dụng tiền của DN. Tư vấn sai về sản phẩm, thay đổi số CMND, thậm chí ngụy tạo CMND một lúc làm cho nhiều DN bảo hiểm khác nhau khi không có sự đồng ý của DN đầu tiên.

Những đại lý vi phạm bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp của hiệp hội, không được DN hội viên tuyển dụng họ trong ba năm kể từ ngày đưa vào danh sách. Tính đến nay, có 8.000 đại lý vi phạm trong hơn 779.614 đại lý.

Bên cạnh đó, ông Dũng còn cho rằng gian lận trong ngành bảo hiểm có xu hướng tăng nhiều và tinh vi hơn. Chẳng hạn như ở miền Nam, ở một khu vực nhỏ xảy ra hiện tượng có nhiều người bị tai nạn tự thương (ngón tay bị cụt/đứt); mua bảo hiểm ở nhiều DN khác nhau nhưng khách hàng đã không kê khai thông tin mua bảo hiểm ở công ty thứ hai, thứ ba…

Khách hàng mua bảo hiểm với mệnh giá lớn nên DN nghi ngờ có dấu hiệu trục lợi bảo hiểm. Nhưng để chứng minh khách hàng trục lợi hay không, trong nhiều trường hợp rất khó khăn.

"Thực tế có khách hàng mua bảo hiểm ở bảy, tám công ty. Nếu tính ra số tiền bồi thường do tai nạn tự thương vậy khoảng 20 tỉ đồng. Theo thống kê chưa đầy đủ, có 17 trường hợp tự thương như vậy" - ông Dũng thông tin.

Trong khi đó, ông Bùi Gia Anh, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, cho biết hiện tại chưa có số liệu các vụ việc trục lợi bảo hiểm, hiệp hội đang trong quá trình phối hợp với các DN thống kê, qua đó cùng các cơ quan nhà nước có những giải pháp cụ thể để phòn,g chống lại vấn đề này.

Trước hết, giữa các DN bảo hiểm cam kết chia sẻ thông tin. Ví dụ, khách hàng có hiện tượng trục lợi hay tỉ lệ khi tham gia bảo hiểm tổn thất cao.

Do hiện tại thị trường chưa có được kết nối cơ sở dữ liệu nên có những khách hàng khi tham gia bảo hiểm của DN nào đó mà tỉ lệ tổn thất cao hoặc DN phát hiện khách hàng đó luôn xảy ra những vụ tổn thất.

Tất nhiên, có những trường hợp DN phát hiện được nhưng vì chưa có sự chia sẻ nên có thể khách hàng này lại là thượng đế của DN khác.

Tú Uyên