Các chuyên gia khuyến nghị NĐT 'mua mạnh' cổ phiếu VinFast, giá có thể tăng ba lần từ đáy
Tiềm năng lớn
Ngành công nghiệp xe điện đang trải qua nhiều khó khăn. Ngay cả Tesla cũng báo cáo lượng xe giao trong quý I năm nay giảm so với cùng kỳ năm trước - cho thấy nhu cầu xe điện đang chững lại.
Tình hình của các startup xe điện còn ảm đạm hơn khi nhiều công ty trong số đó đã phải đóng cửa hoặc đang đối mặt với nguy cơ phá sản. Hãng xe điện Fisker của Đan Mạch là một ví dụ.
Một bài viết đăng tải trên Nasdaq mới đây có đề cập đến VinFast (VFS), hãng xe điện Việt Nam vừa niêm yết trên sàn này vào năm ngoái.
Cổ phiếu VFS tăng mạnh sau khi niêm yết và từng đạt mức cao 93 USD/cp, giúp vốn hoá công ty vượt 200 tỷ USD, gần gấp đôi giá trị thị trường của Ford và General Motors cộng lại.
Sang năm 2024, cổ phiếu VFS đã xác lập mức đáy mới. Kết phiên 12/4, cổ phiếu của hãng xe điện Việt Nam giao dịch ở mức 3,6 USD/cp, thấp nhất kể từ khi lên sàn. Ở mức giá này, vốn hoá của VFS còn khoảng 8,4 tỷ USD.
Tuy nhiên, cả 4 nhà phân tích theo dõi cổ phiếu VFS đều đánh giá đây là cổ phiếu nên “mua mạnh” (strong buy). Mức giá mục tiêu trung bình mà họ đưa ra là 10,5 USD/cp, cao gần ba lần giá chốt phiên 12/4.
Giá mục tiêu cao nhất mà 1 trong 4 chuyên gia đưa ra là 13 USD/cp và người bi quan nhất dự đoán cổ phiếu của công ty xe điện Việt Nam sẽ tăng hơn gấp đôi lên 8 USD/cp.
Tại sao cổ phiếu VFS sụt giảm?
Nhìn chung, cổ phiếu xe điện toàn cầu đều đang đi xuống và VFS không phải ngoại lệ. Từ đầu năm đến nay, giá cổ phiếu VFS đã giảm gần 57%, trong khi các đối thủ như Rivian và Lucid mất lần lượt 55% và 36% giá trị.
Cổ phiếu của các công ty xe điện Trung Quốc cũng không khá hơn, đơn cử như Xpeng giảm gần 45% và Nio tụt 48% kể từ đầu năm.
Ngành công nghiệp xe điện đang phải vật lộn với tình trạng dư thừa công suất do doanh số bán hàng không thực sự tăng như kỳ vọng.
Sự mất cân đối cung - cầu đã góp phần gây ra cuộc chiến giá, từ đó làm tổn hại biên lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp. Tình trạng thua lỗ và đốt tiền của các startup trong ngành cũng trở nên phức tạp hơn.
Bất lợi và ưu thế của VFS
Theo các nhà phân tích, một điểm bất lợi của VFS là hơn 70% doanh số bán xe máy và xe chở khách vào năm ngoái đều đến từ Công ty Di chuyển Xanh và Thông minh (GSM), hãng taxi điện do công ty mẹ của VFS là Tập đoàn Vingroup thành lập.
Ngoài ra, dòng xe VF8 của VFS không nhận được đánh giá tích cực như các mẫu xe của một số công ty xe điện khác, chẳng hạn như Rivian và Lucid.
Tuy vậy, VFS đang nhắm đến thị trường SUV và cung cấp nhiều lựa chọn ở nhiều mức giá. Mẫu xe tiếp theo của VFS là chiếc xe điện mini VF 3, có phạm vi hoạt động khoảng 285 km và được cho là sẽ có giá khởi điểm khoảng 20.000 USD (gần 500 triệu đồng).
VFS cũng đang nỗ lực xây dựng cơ sở sản xuất ở Mỹ. Công ty đang thành lập một nhà máy ở North Carolina, qua đó có thể giúp hãng đủ điều kiện nhận các ưu đãi liên bang về xe điện.
Bên cạnh đó, VFS còn có kế hoạch mở nhà máy ở Ấn Độ và Indonesia. Giữa lúc xe điện Trung Quốc khó tiếp cận thị trường ở nhiều quốc gia, VFS có lợi thế hơn vì đặt trụ sở tại Việt Nam.