|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Các chính sách mới của Tổng thống Trump và thách thức trong thu hút FDI

08:49 | 21/02/2017
Chia sẻ
Sự đổ vỡ của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và các chính sách mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump được cho là sẽ khiến Việt Nam khó khăn hơn trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong năm 2017. Liệu có thực như vậy?

Thách thức lớn…

Một báo cáo vừa được Công ty nghiên cứu thị trường Market Intello công bố cho biết, kinh tế Việt Nam năm 2017 đứng trước nhiều rủi ro, thách thức, mà một trong số đó chính là thách thức trong thu hút FDI.

Theo phân tích của ông Đinh Tuấn Minh, Giám đốc Điều hành Market Intello, tương lai mờ mịt của TPP, các chính sách gây tranh cãi của Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ ảnh hưởng đến thu hút FDI của Việt Nam. “Mặc dù trong tháng 1/2017, lượng vốn FDI đăng ký cũng như thực hiện đều tích cực hơn so với cùng kỳ năm 2015, nhưng trong bối cảnh dòng vốn đầu tư toàn cầu đang có xu hướng quay trở lại Mỹ và TPP rơi vào bế tắc, Việt Nam sẽ gặp khó khăn trong thu hút FDI”, ông Minh phân tích.

cac chinh sach moi cua tong thong trump va thach thuc trong thu hut fdi

Sản xuất chân vịt cho tàu thuyền tại Công ty TNHH Nakashima Việt Nam (Khu công nghiệp Đình Vũ, Hải Phòng). Ảnh: Đức Thanh

Trên thực tế, đây là câu chuyện đã được đặt ra ngay sau khi nguy cơ TPP đổ bể được nhắc đến. Dễ hiểu, bởi từ sau khi đàm phán TPP thành công, rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có nhà đầu tư Mỹ, đã tới Việt Nam tìm kiếm cơ hội và hiện thực hóa các kế hoạch đầu tư của mình tại Việt Nam, nhằm đón đầu các cơ hội do TPP mang lại. Hàng tỷ USD đã được chuẩn bị cho các kế hoạch xây dựng các nhà máy dệt may, da giày tại nhiều địa phương ở Việt Nam. Các kế hoạch này có đổ bể hay không sẽ là câu chuyện của tương lai, bởi rõ ràng, nhà đầu tư sẽ phải cân nhắc thiệt hơn trước khi dốc vốn vào Việt Nam.

Sự “lừng chừng” trong ra quyết định đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài đã được ông Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhắc đến. Nếu có như vậy, đây cũng là điều dễ hiểu.

Lại thêm việc Tổng thống Donald Trump đã từng “đe dọa” các doanh nghiệp Mỹ nếu “dám” mang việc làm ra nước ngoài, thì cũng không khó hiểu nếu dự báo rằng, rất có thể, vốn FDI từ Mỹ vào Việt Nam sẽ chậm lại. Thậm chí, kéo theo đó, sẽ là luồng vốn đầu tư từ các thị trường khác cũng chậm lại, do TPP đổ vỡ.

Nhưng tiềm năng, cơ hội cũng rất lớn

Tuy vậy, có cái nhìn khá lạc quan, ông Warrick Cleine, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc KPMG tại Việt Nam và Campuchia cho rằng, không có TPP, Việt Nam cũng không bị ảnh hưởng nhiều. Lý do đầu tiên, đó là vì TPP chưa từng có hiệu lực và được triển khai thực tế tại Việt Nam. Các lợi ích từ hiệp định này vẫn chỉ là giả thuyết hoặc dự đoán ở thì tương lai. Việc chấm dứt TPP không gây nhiều tác động lên những nước tham gia so với trường hợp khác, như đàm phán lại Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA).

“Dù có cơ sở để thấy rằng, các lợi ích tiềm năng từ TPP là một lý do khiến các nhà sản xuất, đặc biệt là ngành dệt may, đã mở rộng quy mô hoạt động tại Việt Nam với kỳ vọng ưu đãi miễn thuế vào Mỹ. Tuy nhiên, nhiều yếu tố khác vẫn đang thu hút FDI đến Việt Nam, như chi phí nhân công, sức tăng trưởng nhanh của thị trường hàng tiêu dùng nội địa và các hiệp định thương mại chiến lược đã ký kết”, ông Warrick Cleine nói.

Việc tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN hay Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU cũng là yếu tố giúp Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Trong một diễn biến khác, Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) cũng vừa công bố kết quả khảo sát về tình hình đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản. Kết quả cho thấy, có đến 66,6% số doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam được khảo sát cho biết muốn mở rộng hoạt động kinh doanh. Đây là tỷ lệ cao nhất so với các doanh nghiệp Nhật đang đầu tư ở 19 quốc gia và vùng lãnh thổ khác. Khoảng 60% doanh nghiệp Nhật Bản trả lời rằng, kinh doanh ở Việt Nam đang có lãi. Các doanh nghiệp Nhật Bản cũng đã xếp Việt Nam đứng thứ 4 trong số quốc gia về mức độ thuận lợi trong thu hút đầu tư.

“Điều đó cho thấy, Việt Nam tiếp tục là địa điểm đầu tư quan trọng của các doanh nghiệp Nhật Bản”, ông Takimoto Koji, Trưởng đại diện JETRO tại TP.HCM nhận xét.

Khi được hỏi, việc TPP thất bại có ảnh hưởng đến kế hoạch đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam hay không, Takimoto Koji đã nhấn mạnh: “Không có ảnh hưởng xấu”. Theo lý giải của ông Takimoto Koji, các doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam rất quan tâm đến các hiệp định thương mại tự do khác mà Việt Nam đã và đang tham gia, nhất là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU, vì đây là thị trường rất lớn.

Đúng là ngoài TPP, Việt Nam còn đang tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do khác và đây cũng là yếu tố mà theo ông Warrick Cleine sẽ giúp Việt Nam nâng cao uy tín, thu hút FDI. “Việc tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN hay Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU cũng là yếu tố giúp Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài”, ông Warrick Cleine nói.

Thông tin cho biết, JETRO đang lên kế hoạch để tổ chức một hội nghị xúc tiến đầu tư quy mô lớn vào Việt Nam trong năm nay. Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN cũng sẽ tổ chức một hội nghị tương tự tại Việt Nam trong tháng tới. Đây sẽ là cơ hội lớn để Việt Nam đẩy mạnh thu hút vốn FDI.

“Cứ nhìn vào động thái của Apple (Mỹ), họ vẫn quyết định sản xuất iPhone tại Ấn Độ, bất chấp lời đe dọa của Tổng thống Donald Trump để thấy, doanh nghiệp vẫn sẽ lựa chọn đầu tư một khi họ nhìn thấy lợi nhuận cho mình”, một nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đã nói với phóng viên Báo Đầu tư như vậy. Cũng theo nhà đầu tư này, Việt Nam vẫn còn rất nhiều cơ hội để thu hút FDI, nếu như tiếp tục nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

Nguyên Đức

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.