Các Bộ trưởng Tài chính G20 dự định bật đèn xanh cho cải cách thuế toàn cầu
Các Bộ trưởng Tài chính từ Nhóm các nền kinh tế mới nổi và phát triển hàng đầu thế giới (G20) đã nối lại các cuộc thảo luận tại Venice vào ngày 10/7 để “bật đèn xanh” cho một thỏa thuận lịch sử nhằm đánh thuế các công ty đa quốc gia một cách công bằng hơn.
Khuôn khổ cải cách thuế này, gồm thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu ở mức 15%, đã được 131 quốc gia nhất trí vào đầu tháng này và có thể được áp dụng vào năm 2023.
Được ca ngợi là mang tính lịch sử, cải cách thuế này nhằm ngăn chặn các quốc gia cạnh tranh để đưa ra mức thuế thấp nhất nhằm thu hút đầu tư, còn được gọi là “cuộc chạy đua xuống đáy”.
Trả lời phỏng vấn hãng tin AFP, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire ngày 9/7 nói rằng các nước đang tìm kiếm một thỏa thuận "cho thế kỷ 21”, cho phép đánh thuế công bằng đối với những “gã khổng lồ kỹ thuật số” thường hay tìm cách “né” thuế.
Dự kiến sẽ không có thỏa thuận cuối cùng về mức thuế tối thiểu cho đến khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo G20 tại Rome vào tháng 10/2021.
Tuy nhiên, các cuộc đàm phán tại Venice là cơ hội để “bóc tách” thêm nhiều vấn đề để thảo luận cho tới khi đạt được sự đồng thuận, đồng thời gây áp lực cho những nước không tham gia.
Mỹ, Pháp và Đức nằm trong số các nước đang yêu cầu mức thuế cao hơn, cùng với đó, các tổ chức cứu trợ trong đó có Oxfam cũng cho rằng mức thuế 15% là quá thấp.
Tuy nhiên, một số quốc gia thậm chí còn phản đối mức thuế này như Ireland, thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã thu hút Apple và Google đến Dublin nhờ mức thuế thấp, cho rằng sẽ không thể có bất kỳ sự thay đổi nào đối với mức thuế này.
Trả lời kênh truyền hình CNBC, Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz nói rằng các nước đang “trên đường tiến tới một thỏa thuận” sớm được hoàn tất trong thời gian ngắn.
Thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu dự kiến sẽ có ảnh hưởng đến khoảng 10.000 công ty lớn, những công ty có doanh thu hàng năm hơn 750 triệu euro (890 triệu USD).