Ca sĩ Mỹ Linh: \"Tôi mua thực phẩm toàn bằng niềm tin\"
|
Tại diễn đàn "Đón sóng thực phẩm sạch" tổ chức sáng nay, câu chuyện thực phẩm sạch gây nóng hội trường. Với tư cách đại diện người tiêu dùng, ca sĩ Mỹ Linh chia sẻ, nhiều gia đình hàng xóm nhà cô trồng thực phẩm sạch, nhưng không bán được. Sạch và không sạch cũng giá ngang nhau trong khi trồng thực phẩm sạch mất nhiều công, nhiều sức. Vì vậy theo cô, minh bạch thông tin nguồn gốc là rất quan trọng không chỉ với người tiêu dùng mà còn cả với cả người sản xuất.
Giả sử như một nông dân nuôi vịt sạch, ngày mai người nông dân khan hàng thì lấy của người khác vẫn mang mác gia cầm sạch của mình. "Vậy ai là người chứng nhận, chế tài nào để xử lý"? nữ ca sĩ lo lắng.
Đáp lại trăn trở của ca sỹ Mỹ Linh, ông Đòan Văn Vươn, một nông dân nuôi vịt ở Hải Phòng khẳng định, doanh nghiệp hay cá nhân khi sản xuất phải đặt trách nhiệm với chất lượng, thương hiệu của mình. Khi hết hàng phải thông cáo là hết".
"Người xấu rất nhiều nên làm ăn cần chiến lược", ông Vươn cho hay. Triết lý của ông là mỗi thành phố, chỉ có một đơn vị làm đại lý tại một địa điểm nhất định để quản lý cho tốt. "Kể cả có ông thứ 2, thứ 3 có đặt tiền tôi cũng không mở thêm đại lý. Khi đó các đại lý cũng sẽ phải đặt trách nhiệm với chất lượng, thương hiệu", ông chia sẻ.
Đại lý nào của ông Vươn làm sai sẽ bị cho dừng cung cấp. Ông tin rằng đã cho họ cơ hội để phát triển, chắc chắn chẳng ai dại gì phá bỏ quy luật và đánh mất cơ hội đó.
Trước đó doanh nhân Thái Hương - Chủ tịch tập đòan TH True Milk cũng thẳng thắn, thương hiệu của bà không ngại cạnh tranh lành mạnh. Theo bà, gia nhập TPP giống như tham gia một cái chợ tự do theo quy luật, những người làm ăn theo quy chuẩn chất lượng sẽ được công bằng hơn. Tuy nhiên bà lưu ý cạnh tranh sẽ chỉ lành mạnh khi có các tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm như nước ngoài.
Bà Thái Hương đề xuất: "Chúng tôi sẽ xin Bộ nông nghiệp, Hiệp hội sản xuất đồ sạch, để người tiêu dung bình bầu đưa ra cơ quan kiểm tra giám sát cho họ".
Ca sĩ Mỹ Linh cũng tin rằng sẽ có chỗ đứng cho các sản phẩm sạch. "Ở đâu có người nhiều phản hồi tốt, nghĩa là địa chỉ tốt thì người dân sẽ tự mình tìm đến", Mỹ Linh nói.
Đồng tình với quan điểm này, TS. Đặng Kim Sơn - Nguyên Viện trưởng, Viện Chính sách và Chiến lược nông nghiệp cho rằng, tiêu chuẩn hàng Việt Nam chất lượng cao được bình chọn từ chính ý kiến của người tiêu dùng. Sức mạnh của người tiêu dùng được phát huy, chỉ có sản phẩm thực sự tốt, có chất lượng mới có thể tồn tại được trên thị trường. Việc chuyển đổi từ Nhà nước quản lý sang Nhà nước kiến tạo là chuẩn xác.