Bứt phá cho xuất khẩu cá tra - Bài cuối: Để chinh phục thị trường khó tính ?
Chế biến cá tra phục vụ xuất khẩu tại Công ty công nghiệp Thuỷ sản miền Nam. Ảnh: Bùi Văn Lanh - TTXVN.
Để cá tra Việt Nam phát triển bền vững, chinh phục các thị trường khó tính, các chuyên gia và ngành nông nghiệp nhiều tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cho rằng, cần có nhiều giải pháp trước mắt và dài hơi để ngành cá tra bứt phá về giá trị xuất khẩu.
Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam ông Võ Hùng Dũng cho rằng: Việc đầu tiên cần phải hành động là giữ ổn định diện tích nuôi cá tra khoảng 5,4 nghìn ha; tập trung cải thiện chất lượng con giống, chất lượng cá tra nguyên liệu ở khâu nuôi gắn liền với việc cải thiện chất lượng môi trường và tập trung xây dựng thương hiệu cho sản phẩm cá tra chất lượng cao, gắn với thực hiện đề án sản phẩm quốc gia. Bên cạnh đó, xây dựng dòng sản phẩm cá tra fillet chất lượng cao và đa dạng hoá sản phẩm, phát triển dòng sản phẩm giá trị gia tăng.
Đối với chiến lược phát triển thị trường, ông Dũng cũng cho rằng ngành cá tra Việt Nam nên tập trung phát triển 4 thị trường như: Mỹ, EU, Trung Quốc và Asean với thị phần chiếm từ 50-60% và tăng cường xúc tiến thương mại trong và ngoài nước cho ngành cá tra thị trường EU, Mỹ, đặc biệt là thị trường Trung Quốc.
Nhiều tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long cũng cho rằng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tăng cường kiểm soát chất lượng giống, đảm bảo đủ lượng cung cấp, tổ chức kiểm tra và kiểm soát các cơ sở sản xuất giống; kiểm soát chặt chẽ việc nuôi, tránh ồ ạt khiến cung lại vượt cầu. Bộ cần nghiên cứu, thành lập vùng nuôi tập trung tránh nuôi nhỏ lẻ; tăng cường xúc tiến thương hiệu và các sản phẩm mới từ cá tra tại nhiều thị trường khác nhau; trong đó chú ý đến thị trường Ấn Độ và phục hồi thị trường EU.
Theo ông Lê Minh Hoan, Bí thư tỉnh Đồng Tháp, để ngành cá tra phát triển bền vững thay vì quản lý bằng quy hoạch, diện tích, sản lượng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nên siết chặt quản lý về con giống, điều kiện nuôi, xả thải.
Ông Hoan cho rằng, Bộ cũng cần có chính sách đảm bảo 100% diện tích nuôi phải tham gia theo chuỗi và có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chế biến đa dạng hoá sản phẩm thì ngành cá tra mới phát triển mạnh, bền vững.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ cũng cho rằng: Cần có chính sách hỗ trợ trong xây dựng và phát triển vùng sản xuất giống cá tra tập trung, vùng nuôi cá tra thương phẩm tập trung; đầu tư nghiên cứu xây dựng các mô hình nuôi cá tra tiên tiến, bền vững, có hiệu quả thích ứng biến đổi khí hậu.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, ông Trần Anh Thư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần hỗ trợ các tỉnh triển khai các dự án thành phần trong đề án cá tra 3 cấp, nhằm giúp các tỉnh thay đổi chất lượng đàn cá tra bố mẹ, phục vụ cho việc sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường cá tra bột chất lượng tốt trong những năm tiếp theo.
Ông Thư cũng đề xuất cần có đề án hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đi đầu trong việc nghiên cứu, sản xuất, bảo quản giống, ương dưỡng giống cá tra chất lượng cao và hỗ trợ chứng nhận các tiêu chuẩn chất lượng cho vùng nuôi và ương cá tra giống.
Cục Quản lý Chất lượng nông lâm và Thủy sản cũng khuyến cáo: Năm 2018, tại các thị trường xuất khẩu chính của cá tra Việt Nam như: Mỹ, Trung Quốc, EU đã cảnh báo 6 lô hàng cá tra xuất khẩu của Việt Nam không bảo đảm an toàn thực phẩm, không đảm bảo các quy định về ghi nhãn, cảm quan, ngoại quan.
Tuy các lô hàng bị cảnh báo giảm đáng kể so với những năm gần đây, nhưng nếu không có biện pháp ngăn chặn sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh cá tra xuất khẩu Việt Nam qua các thị trường này.
Để bảo vệ hình ảnh cá tra xuất khẩu Việt Nam, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng nông lâm và Thủy sản cho rằng, Tổng cục Thủy sản, Cục Thú y cần tăng cường tập huấn, hướng dẫn người nuôi áp dụng các quy trình nuôi cá tra an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh như: VietGAP, ASC, GlobalGAP, BAP.
Mặt khác, các đơn vị này cũng quản lý chặt chẽ việc cấp phép lưu hành, kinh doanh và sử dụng thuốc thú y, hóa chất sử dụng trong nuôi trồng thủy sản. Đồng thời, tăng cường giám sát tồn dư hóa chất kháng sinh trong cá tra để kịp thời phát hiện, cảnh báo và truy xuất, xử lý tận gốc đối với cơ sở sản xuất kinh doanh vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm.
Về phía Tổng cục Thủy sản, thời gian tới, sẽ chỉ đạo các địa phương, doanh nghiệp, người ương nuôi cá tra khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục thực hiện chương trình tái cơ cấu ngành một cách hiệu quả.
Theo đó, chỉ tổ chức phát triển vùng nuôi khi có hợp đồng đầu ra, nhằm đảm bảo cân bằng cung cầu và hiệu quả kinh tế; tăng cường liên kết sản xuất theo chuỗi, sản xuất gắn liền với tín hiệu thị trường.
Nhiệm vụ của các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long là tập trung thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp có tiềm lực trong chọn tạo giống, đa dạng hóa sản phẩm có giá trị gia tăng, phát triển mạnh mẽ thị trường tiêu thụ sản phẩm và tập trung triển khai đề án giống cá tra 3 cấp.