|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

BSC: Làn sóng COVID-19 thứ ba được kiểm soát nhanh chóng, VN-Index hướng tới 1.130 điểm

12:19 | 03/02/2021
Chia sẻ
Theo Chứng khoán BSC, các thị trường thế giới tiếp tục đi lên nhờ ảnh hưởng tích cực từ các thông tin thử nghiệm và phân phối vaccine tại nhiều quốc gia. Trong nước, làn sóng COVID-19 thứ ba được kiểm soát nhanh chóng, hỗ trợ tâm lý thị trường.

CTCP Chứng khoán Ngân hàng BIDV (BSC) vừa có báo cáo đánh giá thị trường chứng khoán Việt Nam tháng 1 và triển vọng thị trường trong tháng 2. Theo BSC, trong tháng 1, thị trường điều chỉnh để lấy thêm động lực. Hai kịch bản của thị trường chứng khoán trong tháng 2 được Chứng khoán BSC đưa ra.

BSC: Làn sóng COVID-19 thứ ba được kiểm soát nhanh chóng, VN-Index hướng tới 1.130 điểm - Ảnh 1.

Nhận định hai kịch bản của thị trường chứng khoán Việt Nam trong tháng 2. Nguồn: BSC.

Trong kịch bản thứ nhất, VN-Index hồi phục và tăng trở lại về trên ngưỡng 1.100 điểm và hướng tới chinh phục ngưỡng 1.130 điểm. 

Các thị trường thế giới tiếp tục đi lên nhờ ảnh hưởng tích cực từ các thông tin thử nghiệm và phân phối vaccine tại nhiều quốc gia. Trong nước, làn sóng COVID-19 thứ ba được kiểm soát nhanh chóng, hỗ trợ tâm lý thị trường. Chứng khoán BSC cho rằng xác suất xảy ra kịch bản này là khá cao.

Với kịch bản thứ hai, VN-Index tiếp tục duy trì trạng thái điều chỉnh và rơi về quanh khu vực 920 điểm nếu thị trường thế giới chuyển sang xu hướng giảm ngắn hạn và trạng thái rút ròng của khối ngoại gia tăng trở lại. 

Cùng với đó, nếu dịch COVID-19 chưa thể kiểm soát ổn định sẽ khiến tâm lý nhà đầu tư vẫn trong trạng thái bi quan. Chứng khoán BSC cho rằng kịch bản này xảy ra thấp hơn kịch bản tăng điểm.

Thị trường chứng khoán Việt Nam khởi sắc trong tháng 1 nhưng lại giảm sâu sau đó. VN-Index giảm 4,28% trong khi HNX-Index tăng 5,46% trong tháng đầu năm 2021. Về định giá, P/E cuối tháng 1 ở mức 16,9 lần, giảm mạnh so với mức 18,09 lần ở cuối năm 2020, cao hơn 5,23% so với P/E bình quân 5 năm (16,06 lần). Dù vậy, thị giá thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn khá thấp so với khu vực châu Á.

Xét theo từng ngành, đa số P/E các ngành có mức giảm so với cuối năm 2020. Một số ngành có tốc độ tăng giá chậm hơn mức độ cải thiện lợi nhuận gồm nguyên vật liệu, ngân hàng, tài chính. Chỉ có ngành viễn thông và công nghệ thông tin có vận động giá vượt mức độ cải thiện lợi nhuận.

Cụ thể hơn, các nhóm ngành có P/E dưới mức bình quân thị trường gồm ngân hàng, dược và y tế và công nghệ thông tin.

Nói thêm về dòng tiền trên thị trường, Chứng khoán BSC cho rằng thanh khoản giữ ở mức cao phản ánh sự quan tâm của các giao dịch đối với thị trường chứng khoán trong thời điểm hiện tại vẫn đang rất lớn.

Với kịch bản VN-Index đạt 1.130 điểm vào cuối tháng 2, dự báo vốn hóa tăng 7% và thanh khoản duy trì ổn định.

NĐT cá nhân trong nước duy trì hoạt động giao dịch tích cực nhưng đã giảm nhẹ so với tháng 12/2020. Giao dịch của nhóm này chiếm 82,3% thị trường, cao hơn so với mức bình quân 78.,1% trong 1 năm. Áp lực bán xuất hiện tại khu vực quanh 1.200 điểm đồng thời thanh khoản ở mức cao trong những phiên điều chỉnh cho thấy động thái chốt lời đang diễn ra nhiều hơn trong các bộ phận nhà giao dịch.

Về dòng vốn ngoại, khối ngoại tiếp tục thu hẹp đà bán ròng phần nào cho thấy sự quan tâm trở lại của những nhà đầu tư quốc tế khi thị trường Việt Nam tăng trưởng hấp dẫn và điều đó có thể ảnh hưởng tích cực đến tâm lý các nhà giao dịch và khiến VN-Index duy trì đà tăng.

Đa số cácETF, trong đó nổi bật là ETF Diamond và E1 vẫn đang thu hút được vốn ngoại trong khi ETF KIM và Premia đang bị rút ròng. Thị trường tiếp tục có cơ hội đón dòng tiền mới khi các quỹ tham chiếu theo MSCI nối tiếp quá trình tăng tỷ trọng Việt Nam trong danh mục đầu tư.

Lợi Hoàng