|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

BSC: Kinh tế dần bình ổn sau dịch, cẩn trọng một số rủi ro ảnh hưởng tiêu cực tới GDP

18:46 | 05/10/2020
Chia sẻ
BSC nhận định một số rủi ro có thể tác động tiêu cực tới tăng trưởng GDP cả năm 2020. Mặt khác, BSC cho rằng kinh tế Việt Nam đang dần bình ổn sau dịch COVID-19.

Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam BSC vừa công bố báo cáo vĩ mô thị trường quí III/2020. 

Kinh tế thế giới hồi phục khả quan trong tháng 9

BSC: Kinh tế dần bình ổn sau dịch, cẩn trọng một số rủi ro ảnh hưởng tiêu cực tới GDP - Ảnh 1.

Chỉ số PMI sản xuất và PMI dịch vụ của Mỹ, Trung Quốc, khu vực đồng Euro. (Nguồn: Bloomberg, BSC Research).

Trong báo cáo, BSC cho rằng đà hồi phục kinh tế thế giới vẫn tiếp diễn. Điều này thể hiện qua chỉ số nhà quản trị mua hàng PMI của Mỹ, Trung Quốc và khu vực đồng tiền chung châu Âu.

Về PMI dịch vụ, khu vực dịch vụ tiếp tục giữ vững đà hồi phục tại Trung Quốc và khu vực đồng Euro. Tuy nhiên, chỉ số này vẫn tiếp tục suy giảm tại Mỹ. BSC cho rằng kinh tế thế giới có mức hồi phục khá khả quan trong tháng 9.

Việt Nam có triển vọng GDP tích cực

Đề cập tới kinh tế Việt Nam, BSC nhận định triển vọng GDP tích cực, sẽ hoàn thành mục tiêu 2-2,5%

Làn sóng dịch lần thứ hai được kiểm soát tốt. Điều này tạo tiền đề cho việc hồi phục trong những tháng cuối năm. Tình hình lao động ngành công nghiệp cải thiện, trong tháng 9 tăng 1,70% so với cùng kì năm ngoái. Tình hình lao động trong các doanh nghiệp thành lập mới cũng cho thấy tín hiệu khả quan, từ đầu năm đến nay tăng 16,3% so với cùng kì.

BSC: Kinh tế dần bình ổn sau dịch, cẩn trọng một số rủi ro ảnh hưởng tiêu cực tới GDP - Ảnh 2.

(Nguồn: Fiinpro, GSO, BSC Research).

Trong bối cảnh dịch bệnh quay lại cuối tháng 7, đầu tháng 8 vừa qua, GDP quí III vẫn giữ được mức tăng tích cực 2,79% so với cùng kì năm ngoái. Với tốc độ này, BSC ước tính, GDP có thể tăng 2,46%-3,93% cho cả năm 2020.

BSC nhận định một số rủi ro có thể tác động tiêu cực tới GDP. Thứ nhất là thất nghiệp trong ngưỡng cao khu vực thành thị 4% tại quí III/2020. Ngoài ra, một rủi ro khác là doanh nghiệp ngừng kinh doanh thời hạn tăng 81,8% so với cùng kì.

Tiêu dùng là yếu tố trụ cột trong phục hồi kinh tế 2020

BSC: Kinh tế dần bình ổn sau dịch, cẩn trọng một số rủi ro ảnh hưởng tiêu cực tới GDP - Ảnh 3.

(Nguồn: Fiinpro, BSC Research).

BSC đánh giá khu vực tiêu dùng nhìn chung vẫn duy trì tốt trong quí vừa qua do kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh. Ngành tiêu dùng quí III tăng 4,5% so với cùng kì và đây vẫn là yếu tố trụ cột trong quá trình hồi phục kinh tế năm 2020.

Về kinh doanh, triển vọng kinh doanh chưa cải thiện rõ, khu vực sản xuất tiếp tục thận trọng trong việc đẩy mạnh sản lượng. Chỉ số sản xuất quí III/2020 tăng 1,8% so với cùng kì.

Tuy vậy, việc các nước đối tác chủ chốt lấy lại đà hồi phục có thể hỗ trợ đà hồi phục của khu vực này trong phần còn lại của năm 2020. Trong báo cáo, BSC cũng nhắc tới điểm sáng của Việt Nam khi PMI tháng 9 bật tăng mạnh lên 52,2 điểm.

Đầu tư công hỗ trợ tích cực tăng trưởng

BSC: Kinh tế dần bình ổn sau dịch, cẩn trọng một số rủi ro ảnh hưởng tiêu cực tới GDP - Ảnh 4.

(Nguồn: Fiinpro, BSC Research).

Giải ngân vốn ngân sách nhà nước tiếp tục cho thấy tín hiệu khả quan trong tháng 9. Lũy kế từ đầu 2020, giải ngân tăng 35,27% so với cùng kì (tương đương 59,7% kế hoạch). Với tình hình này, giải ngân vốn ngân sách 2020 ước 477,234 tỉ đồng (tương đương 89,5% kế hoạch).

Cùng với 97,017 tỉ đồng từ những năm trước, đầu tư từ ngân sách khả năng đóng góp 1,6% GDP, giảm bớt phần nào suy giảm tại khu vực tư nhân và khu vực vốn FDI.

Dấu hiệu chuyển biến tích cực tại khu vực xuất nhập khẩu

BSC: Kinh tế dần bình ổn sau dịch, cẩn trọng một số rủi ro ảnh hưởng tiêu cực tới GDP - Ảnh 5.

(Nguồn: GSO, BSC Research).

Lũy kế 9 tháng, xuất khẩu tăng 4,6%, đóng góp chủ yếu bởi khối trong nước. Nhập khẩu chỉ còn giảm âm 0,8%, khi tốc độ hồi phục kinh tế của Trung Quốc va Mỹ rõ rệt hơn.

Nhịp hồi phục kim ngạch xuất nhập khẩu đến từ máy tính, sản phẩm điện tử và máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng. Đặc biệt, nhóm máy móc thiết bị phụ tùng tăng gấp đôi mức xuất khẩu tại Mỹ và tăng 75% tại Đức so với cùng kì.

BSC cho rằng nền kinh tế Việt Nam, Mỹ và Trung Quốc có dấu hiệu hồi phục khá tốt. Bên cạnh đó, hiệp định EVFTA có hiệu lực cũng giúp củng cố đà hồi phục thương mại. BSC ước tính xuất khẩu có thể tăng 4,3% so với cùng kì, trong khi nhập khẩu tăng 0,2% so với cùng kì.

Anh Đào