|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

BSC dự báo VN-Index tiến đến vùng 1.150 – 1.160 điểm trong kịch bản tích cực

16:44 | 11/07/2023
Chia sẻ
Nhóm phân tích của BSC Research cho rằng trong kịch bản tích cực, áp lực bán ròng của khối ngoại tiếp tục giảm bớt bên cạnh tâm lý tích cực tiếp tục duy trì sẽ tạo động lực để VN-Index tạo nền tích lũy và tiến đến vùng 1.150 – 1.160 điểm. Sự phân hóa cổ phiếu sẽ diễn ra khi các doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh quý II.

Theo báo cáo vĩ mô và thị trường tháng 7 của Chứng khoán BIDV (BSC), kết thúc tháng 4/2023 với một nhịp điều chỉnh, thị trường chứng khoán bước vào nhịp tăng điểm tích cực trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giảm lãi suất điều hành nhằm hỗ trợ cho nền kinh tế.

Động lực đến từ khối ngoại suy yếu và đảo chiều trong quý II khi nhà đầu tư nước ngoài bán ròng liên tiếp trong 3 tháng tuy nhiên sự trở lại và tâm lý tích cực của nhà đầu tư cá nhân trong nước đã giúp VN-Index tăng vững chắc và duy trì diễn biến tích cực kể từ cuối tháng 4/2023 cho đến hết quý II.

VN-Index và HNX-Index lần lượt tăng 5,22% và 9,55% so với thời điểm 31/3. P/E VN-Index kết thúc 30/6 ở mức 13,76 lần, tăng 25,5% so với tháng 3. P/E VN-Index xếp thứ 8 của châu Á, trong khi P/E HNX-Index ở mức 28,29 lần. P/E VN-Index dự báo vận động trong vùng 14 - 14,25 trong kịch bản tích cực khi VN-Index quay trở lại vùng 1.160 điểm.

Nguồn: Bloomberg, Fiinpro, BSC Research.

Theo nhóm phân tích của BSC, nhịp hồi phục ấn tượng của VN-Index kể từ cuối tháng 4 sau khi điều chỉnh đã chứng kiến toàn bộ 11/11 nhóm ngành tăng điểm tích cực trong quý II. Thanh khoản bùng nổ trở lại cùng tâm lý tích của nhà đầu tư trong nước đã giúp thị trường có nhịp tăng điểm ấn tượng, dòng tiền lan tỏa trên toàn bộ các nhóm ngành.

Thị trường tăng điểm tốt đi kèm với thanh khoản cao đã giúp thị trường giao dịch tích cực kể từ khi VN-Index bước vào thị trường gấu vào tháng 4/2022. Thanh khoản bùng nổ ghi nhận mức tăng 41,21% so với bình quân trong quý I/2023.

Toàn thị trường ghi nhận 3 phiên giao dịch đạt giá trị giao dịch trên 1 tỷ USD trong tháng 6 và nhiều phiên có giá trị giao dịch trên mức 20 nghìn tỷ đồng/phiên – sự sôi động đến từ động lực của nhóm nhà đầu tư cá nhân.

Vốn hóa bình quân toàn thị trường quý II/2023 tăng 2,64% so với quý I/2023 – đồng thuận với sự tích cực của chỉ số. Thanh khoản bình quân quý II/2023 trên toàn thị trường đạt 16 nghìn tỷ đồng/phiên – mức tăng tốt so với sự ảm đạm trong quý I/2023 khi chỉ đạt 11,3 nghìn tỷ/phiên. Thanh khoản dự báo dao động ở mức 14 - 15 nghìn tỷ/phiên trong kịch bản VN-Index tích lũy và tăng nhẹ hướng đến vùng 1.150 – 1.160 điểm.

Nhận định về diễn biến thị trường tháng 7, nhóm phân tích của BSC đưa ra hai kịch bản.

Nguồn: TradingView, BSC Research.

Với kịch bản tích cực, số liệu vĩ mô quý II tiếp tục cho thấy sự khó khăn của nền kinh tế, sự kỳ vọng vào những động thái quyết liệt hơn của Chính phủ trong 6 tháng cuối năm và các tác động của chính sách tiền tệ nới lỏng, kích thích nhu cầu tiêu dùng, hỗ trợ doanh nghiệp bắt đầu được cụ thể hóa, thẩm thấu vào nền kinh tế.

Bên cạnh đó, áp lực bán ròng của khối ngoại tiếp tục giảm bớt bên cạnh tâm lý tích cực tiếp tục duy trì sẽ tạo động lực để VN-Index tạo nền tích lũy và tiến đến vùng 1.150 – 1.160 điểm. Sự phân hóa cổ phiếu sẽ diễn ra khi các doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh quý II.

Có phần thận trọng hơn, kịch bản 2 được BSC đưa ra là quan điểm điều hành chính sách tiền tệ thắt chặt trong cuộc chiến chống lạm phát tiếp tục được phát đi từ người đứng đầu các ngân hàng trung ương lớn cho thấy môi trường lãi suất cao sẽ tiếp tục duy trì cho đến hết năm 2023 điều này sẽ gây áp lực đáng kể đến tình hình tỷ giá trong nước và diễn biến của khối ngoại.

Trạng thái swap âm có thể khiến khối ngoại tiếp tục duy trì trạng thái bán ròng bên cạnh đó diễn biến xung đột địa chính trị trên thế giới tiếp tục tiềm ẩn nhiều diễn biến khó lường tác động đến tâm lý giới đầu tư toàn cầu. VN-Index được dự báo có thể quay trở lại vùng 1.090 – 1.100 điểm.

Thu Thảo