Brazil cho phép sử dụng mía biến đổi gen đầu tiên trên thế giới
Ảnh minh họa. |
Ngày 9/6, Ủy ban kỹ thuật an ninh sinh học quốc gia Brazil (CTNBio) đã thông qua việc cho phép sử dụng các giống mía biến đổi gen thương mại hay còn được gọi mía Bt, có khả năng kháng sâu bệnh và cỏ dại tốt hơn các giống cây thông thường.
Theo CTNBio, Bt là các giống mía biến đổi gen đầu tiên trên thế giới và quyết định nói trên sẽ mở ra cơ hội phát triển của ngành công nghiệp mía đường Brazil, chiếm tới một nửa kim ngạch xuất khẩu thế giới.
Trung tâm Công nghệ Mía Đường Brazil (CTC), tổ chức đã nghiên cứu và cho ra đời nhiều giống mía Bt, đã xin cấp phép sử dụng vì mục đích thương mại các cây biến đổi gen này từ tháng 12/2015.
Người đứng đầu CTC Gustavo Leite cho biết sẽ phải mất ít nhất 3 năm cho các lô đường đầu tiên được sản xuất từ mía biến đổi gen tiếp cận thị trường xuất khẩu do tốc độ nhân giống của giống mía mới.
CTC cũng khẳng định quá trình nghiên cứu và phát triển các giống mía Bt được CTNBio giám sát chặt chẽ, đồng thời nhấn mạnh mía biến đổi gen hoàn toàn đảm bảo các yêu cầu nghiêm ngặt về tác động môi trường, không ảnh hưởng tới sức khỏe con người, động vật.
Giống CTC 20 Bt của trung tâm này cho phép cây mía chống chọi tốt hơn với loài sâu đục thân Diatraea saccharalis, gây thiệt hại mỗi năm 5 tỷ real (1,5 tỷ USD) cho ngành mía đường của nước Nam Mỹ này.
Brazil xuất khẩu đường tới 150 quốc gia. Hiện CTC đã yêu cầu Mỹ và Canada cấp phép cho sản phẩm đường làm từ mía Bt của nước này và dự kiến sẽ gửi đề xuất này tới Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Hàn Quốc và Indonesia . Brazil có khoảng 10 triệu ha canh tác mía và dự kiến diện tích trồng mía Bt sẽ chiếm 15% trong tương lai.
Mỹ và Brazil là hai quốc gia đi đầu trong việc nghiên cứu các giống mía Bt. Hiện Nam Phi, Australia và Trung Quốc cũng đầu tư đáng kể trong việc nghiên cứu các giống mía biến đổi gen, nhưng đến nay chưa có nước nào trong số các nước này công bố chính thức có giống mía Bt thương mại.