Bóng ma tuổi già ám ảnh bên trong các nhà máy điện tử
Vào một buổi sáng Chủ nhật, bên trong Học viện Phương Lan, một tiệm làm móng gần các nhà máy hai nhà máy của Samsung (Yên Phong, Bắc Ninh), 4 nữ học viên đang ngồi đối diện với các mẫu của họ, học những kiến thức cơ bản về làm móng từ chủ tiệm Nguyễn Thị Lan.
Cuối tuần là thời điểm để những học viên này tìm đến chị Lan. Bởi vào các ngày trong tuần, nhiều người phải làm việc tại các nhà máy của Samsung hoặc các nhà cung cấp của hãng trong huyện Yên Phong.
“Không ai có thể làm việc trong nhà máy mãi mãi,” chị Lan, 29 tuổi, một cựu công nhân nhà máy Samsung, chia sẻ. “Các học viên đang làm điều này một phần vì họ cũng giống như tôi trước kia - không muốn làm việc trong nhà máy suốt đời. Họ đã xa nhà quá lâu và muốn quay về quê mở tiệm, để được ở gần chồng và con".
Huyện Yên Phong có nhiều cửa hàng tương tự của chị Lan, nơi mà các nữ công nhân nhà máy trả tiền để học các dịch vụ làm đẹp như làm tóc, làm móng, trang điểm và mát-xa. Hầu như tất cả các cửa hàng đều có biển hiệu ghi “nhận học viên.”
Theo Rest of World, các khóa học làm đẹp đang rất được những nữ công nhân trẻ ưa chuộng, bởi công việc của họ thường ngắn hạn và họ cảm thấy có thể bị sa thải bất cứ lúc nào hoặc không còn phù hợp với công việc khi tuổi tác tăng lên.
Theo ông Đào Quang Vinh - nhà nghiên cứu nhân sự tại Việt Nam, lực lượng lao động tại các nhà máy điện tử chủ yếu là những người trẻ tuổi từ các tỉnh xa tìm kiếm thu nhập ổn định. Nhóm phụ nữ này thường đã lập gia đình và có con.
Những nữ công nhân ở nhà máy Yên Phong cho biết họ đăng ký học các dịch vụ làm đẹp vì công việc này ổn định và linh hoạt hơn so với công việc trong nhà máy. Chị Lan từng làm việc tại nhà máy lắp ráp điện thoại thông minh của Samsung ở tỉnh Thái Nguyên trong 5 năm trước khi nghỉ việc vào năm 2020, khi sản xuất chậm lại do đại dịch COVID-19.
Cũng như các học viên hiện tại, chị đã dành tất cả các ngày nghỉ trong năm cuối cùng làm việc tại Samsung để học các kiến thức cơ bản về kinh doanh làm đẹp. “Ngành làm đẹp không bao giờ lỗi thời,” cô nói. Sau khi nghỉ việc, cô đầu tư vào một khóa học nâng cao kéo dài 6 tuần và sau đó mở một cửa hàng riêng.
Trong ba năm qua, chị Lan đã đào tạo khoảng 50 phụ nữ, trong đó 15 người đã mở cửa hàng tại quê nhà. Theo ông Vinh, phụ nữ chiếm khoảng 60% lực lượng lao động trong ngành sản xuất linh kiện và thiết bị điện tử, nhưng họ không ở lại lâu trong những công việc này.
“Khi đối mặt với quyết định sa thải công nhân, các công ty và nhà máy thường nhắm vào những công nhân lớn tuổi hơn, kém hiệu quả hơn để giảm chi phí đầu vào,” Hoàn Trần, Phó Giám đốc khu vực miền Bắc tại công ty tuyển dụng Navigos Search, cho biết.
Có lẽ do những lo ngại phổ biến xung quanh vấn đề phụ nữ bị cắt giảm khỏi những công việc bên trong nhà máy, Samsung đã cung cấp các khóa đào tạo giúp công nhân học trang điểm, làm tóc và làm móng chuyên nghiệp. Các khóa đào tạo này được cung cấp thông qua hợp tác với trường Cao đẳng Nghề Công nghệ cao Hà Nội.
“Samsung muốn công nhân của họ có một cái nghề để khi không còn làm việc trong nhà máy, họ có thể trở về quê và có một công việc khác,” ông Phạm Văn Quang, một trong những giảng viên của trường tham gia vào chương trình, chia sẻ. “Tại Samsung, công việc của họ khá vất vả, và họ phải vừa làm việc vừa đi học các lớp làm đẹp".
Các chủ cửa hàng làm đẹp như chị Lan đã tận dụng cơ hội này để giúp đỡ những phụ nữ đang rất cần một nghề nghiệp thay thế. Ở tuổi 29, chị Lan cảm thấy mình đã dành cả tuổi trẻ để làm việc cho Samsung — một cảm nhận mà nhiều phụ nữ khác đang làm nghề làm đẹp hoặc đang học nghề cũng chia sẻ.
Học viện Mai Hiền, một tiệm làm tóc đối diện tiệm của Lan, đã đào tạo gần 300 người trong 8 năm qua. "Khoảng 90% là công nhân nhà máy muốn học một nghề để ổn định,” chị Nguyễn Thị Hiền cho biết. Trước khi chuyển đến Yên Phong, Hiền từng làm việc trong một nhà máy sản xuất giày ở Trung Quốc.
Cách đó vài dãy nhà, chị Võ Thị Sen, 26 tuổi, bà chủ của Sen Suri Beauty & Academy, một tiệm xăm chân mày và môi, nói: “Nghề này chỉ có thể phát triển thêm và không thể bị thay thế bởi máy móc."
Chị Sen bắt đầu bằng việc cung cấp các dịch vụ làm đẹp tại nhà trong khi chồng cô vẫn làm việc tại công ty. Năm 2020, họ mở tiệm đầu tiên. Hai năm sau, công việc kinh doanh phát triển lớn mạnh đến mức chồng chị phải nghỉ công việc quản lý tại Samsung để hỗ trợ vợ với vai trò ông bố nội trợ.
“Công việc trong nhà máy là thời điểm để cố gắng tiết kiệm tiền và tích lũy kinh nghiệm. Khi đã sẵn sàng, người ta sẽ ra ngoài làm ăn riêng,” anh Tạ Công Chính - chồng chị Sen chia sẻ khi ngồi trong tiệm với cô con gái trên lòng.
Việc mở một doanh nghiệp hoặc thử học một kỹ năng mới cũng có thể là một rủi ro. Nhiều cựu công nhân Samsung đã mở tiệm trong khu vực nhưng phải đóng cửa sau một hoặc hai năm, theo chị Ma Thị Hương, một cựu công nhân Samsung, hiện cùng chồng sở hữu một tiệm làm tóc ở Yên Phong.
Mặc dù có nhiều thách thức, nhiều người vẫn chọn học nghề làm đẹp vì công việc trong nhà máy không đủ thu nhập để nuôi sống gia đình đang ngày càng lớn.
Chị Quang Thị Hải Dương, một học viên 28 tuổi đến từ Nghệ An, cho biết cô đã làm việc tại Samsung trong 10 năm trước khi nghỉ việc hai tháng trước để học nghề tại Sen Suri. Tại Samsung, cô từng kiếm khoảng 8 triệu đồng mỗi tháng.
“Giờ đây khi tôi có gia đình riêng, mức lương đó không đủ,” chị chia sẻ. Dương dự định sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội một lần của mình để mở một spa tại quê nhà. Chị nhận thức được rằng điều này đồng nghĩa với việc cô sẽ từ bỏ lương hưu khi về già.