Bỗng chốc trở thành 'dân tị nạn tài chính' vì cho vay qua mạng
Cho vay ngang hàng ở Trung Quốc lâm khủng hoảng | |
Trung Quốc thanh lọc hệ thống sàn giao dịch cho vay tín chấp |
Các nạn nhân đi đòi quyền lợi sau khi một số hệ thống cho vay trực tuyến bị sập |
Phản ứng kịch liệt của người dân trong các vụ vỡ nợ vì cho vay qua mạng này phần nào làm sáng tỏ góc độ u ám của ngành công nghiệp tài chính Trung Quốc vốn phát triển nóng nhưng thiếu sự giám sát. Quảng cáo về lợi nhuận hai con số đã thu hút nhiều người đặt tiền vào hệ thống cho vay trực tuyến mà lãi suất tăng vọt so với các ngân hàng thông thường. Nhưng với những quy định mang tính siết chặt hoạt động mới đây, một số website đã sập và phá sản.
3 tháng đánh sập 218 hệ thống cho vay qua mạng
Một nhà quản lý dự án xây dựng tại Bắc Kinh kể, anh đã đầu tư hơn 275.000 NDT (khoảng 40.000 USD) vào một website cho vay qua mạng, nhưng nó đột nhiên đóng cửa tháng trước. “Phản ứng đầu tiên là tôi không tin rằng hệ thống đó sụp đổ... Nhưng cuối cùng, tôi đã phải chấp nhận sự thật”, người đàn ông 28 tuổi nói. Số tiền anh này bị mất bao gồm tiền tiết kiệm của cha mẹ, tiền vay bạn bè cùng tiền để dành mua chung cư khi vợ anh sắp sinh.
Trang web đầu tư mà thanh niên nói trên tham gia là Tourongjia.com, hiện đang bị cảnh sát điều tra. Từ tháng 7-2018, website này đăng thông báo của Chính phủ rằng chủ tịch của Tourongjia.com đã mất tích, 13 nghi phạm đã bị bắt giữ. Nhà chức trách khuyên các nhà đầu tư báo cáo thiệt hại cho cảnh sát càng sớm càng tốt. Các đường dây điện thoại của công ty cũng không còn hoạt động.
Các trang web như Tourongjia thuộc hệ thống cho vay ngang hàng, thực tế là cho vay tiền cá nhân hoặc doanh nghiệp thông qua các dịch vụ trực tuyến, chúng hoạt động với chi phí thấp hơn và cung cấp dịch vụ rẻ hơn các tổ chức tài chính truyền thống. Chính phủ Trung Quốc ban đầu khuyến khích sự phát triển của loại hình này nhưng dần dần nó “trở thành nam châm cho hành vi lừa đảo và tội phạm vốn dễ nảy sinh ở những hoạt động ngoài thị trường có sự kiểm soát lỏng lẻo”, Brock Silvers, Giám đốc điều hành của công ty tư vấn đầu tư Kaiyuan Capital tại Thượng Hải nhận định.
Thời gian gần đây, Chính phủ Trung Quốc đã cố gắng cải tổ lĩnh vực này với các quy định chặt chẽ hơn nhằm kiểm soát rủi ro trong lĩnh vực tài chính. Theo thống kê, chỉ trong 3 tháng, số lượng các cơ sở cho vay ngang hàng bị đóng cửa đã tăng từ 28 công ty trong tháng 5 lên 218 trong tháng 7-2018. “Các nhà quản lý đã nghiêm túc hơn về việc tìm cách giải quyết vấn đề này bởi vì họ nhận ra nó đang nằm ngoài tầm kiểm soát”, ông Andrew Collier, Giám đốc điều hành của công ty nghiên cứu tài chính Orient Capital ở Hong Kong nhận xét.
Khách hàng mất trắng
Nạn nhân 28 tuổi kể trên cho biết, anh nghĩ rằng khoản đầu tư của mình an toàn bởi vì Tourongjia dường như có sự chứng thực của Chính phủ. Nhiều bài báo đã đề cập đến các cuộc họp giữa các giám đốc điều hành công ty và các quan chức chính quyền địa phương ở thành phố Hàng Châu, nơi Tourongjia đặt trụ sở. Các quan chức từng đến thăm văn phòng công ty này và thậm chí dự tiệc chiêu đãi của công ty. Tuy nhiên, chính quyền thành phố không bình luận về việc này.
Sau sự sụp đổ của Tourongjia, không có dấu hiệu cho thấy khách hàng sẽ được đền bù. “Chính phủ sẽ không bảo lãnh ai hết. Tôi rất ngạc nhiên về điều này”, chuyên gia Andrew Collier nói đồng thời dự đoán rằng sau cú rung lắc hiện tại, các dịch vụ tài chính qua internet và ngân hàng lớn hơn cũng sẽ bị tác động.
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc không trả lời yêu cầu bình luận về tổn thất của nhà đầu tư. Trước đó, Ngân hàng này cho biết sẽ truy quét nợ xấu và kêu gọi các bộ phận liên quan của Chính phủ giúp các nhà đầu tư sáng suốt hơn trong đầu tư, cho vay và rủi ro. Tuy nhiên, những người đã mất tiền nói rằng họ không từ bỏ, bất chấp nguy cơ bị bắt giam. Một nhân viên bán hàng về chăm sóc sức khỏe 36 tuổi cho biết, anh đã mất khoảng 1,4 triệu nhân dân tệ (200.000 USD) cho Tourongjia, anh sẽ đấu tranh đến cùng vì “cuộc sống của tôi bị hủy hoại. Bây giờ, tôi giống như một người tị nạn tài chính”.