'Bong bóng khổng lồ nhất lịch sử' đang hút tiền từ khắp nơi trên thế giới về Mỹ
Mỹ có thực sự vượt trội đến thế?
Ông Ruchir Sharma, Chủ tịch hãng quản lý đầu tư Rockefeller International, cho rằng sự thống trị của Mỹ đối với thị trường tài chính toàn cầu đã đạt đến mức cực đoan, cho thấy sự tồn tại của một bong bóng khổng lồ với cấp độ lịch sử.
Trong bài viết trên tờ Financial Times tuần trước, vị chủ tịch cho biết đây là lần đầu tiên trong lịch sử các nhà đầu tư trên khắp thế giới đổ nhiều tiền vào một quốc gia đơn lẻ đến thế. Ông cảnh báo: “Tâm lý kính nể dành cho ‘sự vượt trội của nước Mỹ’ trên các thị trường đã đi quá xa”.
Các công ty Mỹ hiện chiếm 70% chỉ số chứng khoán hàng đầu thế giới trong khi tỷ trọng của nền kinh tế Mỹ trong GDP toàn cầu chỉ là 27%. Vào thập niên 1980, tỷ trọng của các doanh nghiệp Mỹ trong chỉ số chứng khoán hàng đầu thế giới chỉ là 30%.
Trong thời gian gần đây, nền kinh tế Mỹ tăng trưởng vững vàng hơn những nền kinh tế lớn khác, doanh nghiệp Mỹ cũng thuộc nhóm có lợi nhuận cao nhất.
Nhưng ông Sharma chỉ ra những thước đo khác cho thấy các thị trường đang phản ứng vô cùng quá khích, kể cả khi không tính tới việc cơn sốt trí tuệ nhân tạo (AI) đã giúp một vài cổ phiếu công nghệ Mỹ tăng như tên lửa.
Ví dụ, các chỉ số đo lường cổ phiếu dựa trên giá thay vì vốn hóa thị trường và điều chỉnh cho các công ty công nghệ khổng lồ hàng đầu cho thấy chứng khoán Mỹ sinh lời gấp hơn 4 lần so với phần còn lại của thế giới kể từ năm 2009.
Sự vượt trội của Mỹ cũng không chỉ giới hạn trong cổ phiếu. Chỉ tính riêng trong năm 2024, nhà đầu tư ngoại đã đổ 1.000 tỷ USD vào các thị trường nợ của Mỹ, gần gấp đôi lượng vốn khu vực đồng euro thu hút được. Và Mỹ kiểm soát hơn 70% thị trường toàn cầu dành cho tín dụng và vốn cổ phần tư nhân.
Ông Sharma lưu ý: “Trong quá khứ, bao gồm trong giai đoạn kinh tế thịnh vượng những năm 1920 và bong bóng dot-com đầu những năm 2000, đà tăng của thị trường Mỹ sẽ nâng đỡ những thị trường khác. Nhưng ngày nay, sự bùng nổ của thị trường Mỹ đang hút tiền khỏi những nơi khác trên thế giới”.
Ông cảnh báo tâm trạng hưng phấn quá đà trên thị trường tài chính có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế thực. Khi các nhà đầu tư rời bỏ những thị trường nhỏ, dòng vốn chảy ra có thể làm suy yếu đồng tiền của nước đó, buộc ngân hàng trung ương tăng lãi suất, khiến nền kinh tế giảm tốc và các yếu tố cơ bản của quốc gia trở nên xấu đi.
Vị chuyên gia nhấn mạnh: “Những lời bàn tán về bong bóng công nghệ, AI hay các chiến lược đầu tư tập trung vào tăng trưởng và động lượng đã che đậy bong bóng khổng lồ nhất, quan trọng nhất trong các thị trường Mỹ. Bằng cách thống trị hoàn toàn tâm trí của nhà đầu tư toàn cầu, Mỹ đang được thổi phồng và định giá quá cao đến mức chưa từng thấy”.
Sự đồng tình của các chuyên gia
Giống như ông Sharma, tháng trước nhà kinh tế hàng đầu Phố Wall Mohamed El-Erian cũng phát biểu trên Bloomberg TV rằng vốn ngoại sẽ dồn dập đổ vào Mỹ.
Ông dự đoán so với Mỹ, phần còn lại của thế giới có thể sẽ gặp nhiều khó khăn hơn khi phải đối phó với môi trường kinh tế và lạm phát đều nóng. Điều đó càng làm tăng thêm lợi thế của Mỹ. Ông nhận xét: “Sự thống trị của Mỹ đối với hệ thống toàn cầu sẽ gia tăng trong ngắn hạn, cả vì lý do tích cực lẫn tiêu cực”.
Trong khi đó, tờ Fortune cho biết nhà đầu tư “thiên nga đen” Mark Spitznagel - sáng lập kiêm Giám đốc đầu tư của quỹ Universa Investments, đã cảnh báo về bong bóng từ khá lâu.
Năm ngoái, ông dự đoán “bong bóng tín dụng vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại” sắp vỡ tung. Đến tháng 6 năm nay, ông lặp lại rằng bong bóng sắp vỡ. Tới tháng 9, ông tuyên bố thị trường đã bước vào vùng thiên nga đen.
Sau thành tích đáng nể của chứng khoán Mỹ trong năm 2023 và năm nay, Phố Wall tiếp tục kỳ vọng vào khoảng thời gian tươi sáng trong năm 2025. Bank of America dự kiến chỉ số S&P 500 sẽ đạt 6.666 điểm vào cuối năm sau, tương ứng mức tăng 8%. Nhà đầu tư lão luyện Ed Yardeni đặt mục tiêu 7.000 điểm cho chỉ số S&P 500, tương ứng mức tăng lên tới 15%.