Bong bóng dotcom sẽ tái diễn?
Ảnh: crainsnewyork.com
Còn nhớ bong bóng dotcom cuối thập niên 1990? Gregory Perdon, đồng Giám đốc Đầu tư ngân hàng cá nhân Arbuthnot Latham vẫn còn nhớ rõ và ông lo lắng năm 2019 có những đặc điểm rất giống với năm 1999.
“Vào cuối thập niên 1990, các tài xế taxi ở New York hào hứng kể cho tôi nghe họ đang mua vào cổ phiếu của những công ty công nghệ nào. Lúc đó, ai nấy cũng đều phấn khích. Tôi không nghĩ lúc này chúng ta đang ở mức đó nhưng tôi cũng không cho rằng chúng ta ở xa mức đó”, ông nhận xét.
Một số chuyên gia và nhà quan sát trong ngành cho rằng sự khác biệt thực sự duy nhất giữa thời điểm hiện nay với cơn sốt công nghệ thập niên 1990 là các tài xế taxi hiện trở thành khoản đầu tư, thay vì là nhà đầu tư.
Đợt IPO vào tháng 5 của Uber đã định giá ứng dụng gọi xe này ở mức 82 tỉ USD, dù Công ty dự kiến sẽ lỗ tới 5,4 tỉ USD vào năm nay. Đối thủ chính của Uber là Lyft cũng báo cáo lỗ ròng gần 1 tỉ USD vào năm 2018 nhưng được định giá 24 tỉ USD trong đợt IPO vào cuối tháng 3.2019. Pinterest cũng lỗ 63 triệu USD vào năm ngoái.
Website chia sẻ ảnh này được định giá ở mức 12 tỉ USD trong đợt IPO vào tháng 4. WeWork, startup cung cấp không gian làm việc chung, gần đây báo lỗ 264 triệu USD và dự kiến được định giá 47 tỉ USD trong đợt IPO năm nay.
Nghiên cứu của Jay Ritter, một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính doanh nghiệp tại Đại học Florida, đã chỉ ra rằng lần cuối cùng số lượng nhiều công ty thua lỗ như vậy “ra sức” bán cổ phiếu cho nhà đầu tư là vào năm 2000 - năm mà bong bóng dotcom xì hơi. Lúc đó, 81% các doanh nghiệp Mỹ lên sàn đều đã thua lỗ trong năm chuẩn bị IPO.
Trong 9 tháng đầu năm 2018 (trước thời điểm các startup kỳ lân nói trên thực hiện IPO), tỉ lệ này là 83%. Giống như vào năm 1999, nhiều người tuyên bố rằng “lần này sẽ khác”. Nhưng liệu lần này sẽ khác hay bong bóng dotcom của 20 năm trước lại tái diễn?
Một số nói rằng các đợt IPO gần đây chủ yếu đến từ các công ty công nghệ sinh học với mục đích huy động vốn cho các đợt thử nghiệm lâm sàng những loại thuốc mới. Một số khác thì dẫn chứng những năm gần đây, nhiều công ty làm ăn thua lỗ đã trở thành con cưng của thị trường chứng khoán.
Dara Khosrowshahi, ông chủ Uber, chẳng hạn, đưa ra trường hợp của Facebook và Amazon. Fackbook đã tiến hành IPO vào năm 2012 với mức giá 38 USD/cổ phiếu khi mạng xã hội này lỗ 59 triệu USD, sau đó giá cổ phiếu giảm còn 20USD. Nhưng năm ngoái, giá đã đạt đỉnh 217USD và hiện ở mức 197USD (3.7.2019).
Tuy nhiên, không phải công ty nào cũng lạc quan như Facebook. Cổ phiếu của ứng dụng nhắn tin Snapchat ban đầu đã tăng từ mức giá IPO là 17USD dù công ty này chưa từng tạo ra đồng lợi nhuận nào. Đầu năm nay cổ phiếu Snapchat đã giảm về mức thấp tới 5USD và dù giá đã hồi phục lên mức 14,76USD (3.7.2019), nhưng Công ty vẫn chưa thể thoát lỗ.
Trong khi đó, Amazon đã đi từ một cửa hàng bán sách online thua lỗ trở thành một tập đoàn thương mại điện tử khổng lồ. Nhưng nhà đầu tư không hề mua cổ phiếu Amazon với giá ngất ngưởng: khi Amazon thực hiện IPO vào năm 1997, vốn hóa thị trường của công ty này chỉ 300 triệu USD.
Vậy tại sao có quá nhiều công ty hoạt động thua lỗ lại đòi hỏi nhà đầu tư phải mua cổ phiếu của họ với giá cao? Có 2 lý do và cả 2 lý do này đều liên quan đến các điều kiện thị trường.
Thứ nhất, dòng tiền đã ồ ạt đổ vào thị trường vốn đầu tư tư nhân (PE) giai đoạn 2011-2014 khi các nhà quản lý tài sản săn tìm mức sinh lời hấp dẫn hơn trong một môi trường lãi suất thấp. Cơn lốc đầu tư PE đã tạo ra một loạt startup công nghệ kỳ lân trị giá hàng tỉ USD mà những startup này lại duy trì hình thức công ty tư nhân lâu hơn bình thường.
Điều này đã tạo ra sức cầu dồn nén từ phía các nhà đầu tư cổ phiếu và thời điểm hiện tại là cơ hội tuyệt vời cho những ai đã rót vốn ban đầu vào các công ty trên có thể thoái vốn với một khoản lời béo bở.
Thứ hai, những nhà đầu tư này đang chứng kiến một thị trường giá lên kéo dài lâu nhất trong lịch sử và họ lo ngại cơ hội rót vốn có thể không còn. Nhưng một câu hỏi đặt ra: Thời điểm này dường như không phải là lúc thích hợp để đầu tư? Trong nhiều trường hợp là đúng, nhưng cũng không hẳn.
Iain Tait, đối tác tại London & Capital, cho rằng các đợt IPO của những công ty thua lỗ đang thỏa mãn khẩu vị của thị trường đối với “các khoản đầu tư tăng trưởng có tính chất phá bĩnh” và phản ánh “giá trị về sự khan hiếm” của chúng.
Nhưng ông cũng lưu ý nhà đầu tư cần phải phân tích kỹ mỗi trường hợp đầu tư để tránh định giá quá cao. “Một nhà đầu tư có tầm nhìn dài hạn với khả năng chấp nhận rủi ro là đối tượng thích hợp đầu tư vào một công ty đang làm ăn thua lỗ nhưng có tiềm năng tăng trưởng cao. Nhưng việc đánh giá lộ trình sinh lợi của công ty mà mình đầu tư cũng quan trọng không kém”, Iain Tait nói.
Các dự báo lợi nhuận cũng có ý nghĩa quan trọng đối với Cesar Perez Ruiz, Giám đốc Đầu tư tại Pictet Wealth Management. “Chúng tôi phân tích khả năng sinh lời dài hạn của các công ty này và mức định giá cũng phải tương thích”, ông giải thích. “Chỉ vì các công ty làm ăn thua lỗ mà quyết định không đầu tư thì không phải là lý do thích đáng.
Lấy ví dụ, lúc Amazon làm ăn thua lỗ, chúng tôi vẫn tích cực mua vào. Nhưng xét ở trường hợp của Uber, doanh thu bình quân mỗi người sử dụng của công ty gọi xe này lại đang đi xuống”, ông nói tiếp.
Trong khi đó, theo đánh giá của Wesley Lebeau, nhà quản lý cấp cao danh mục đầu tư tại CPR Asset Management, các startup kỳ lân đã nhận được vốn đầu tư mạo hiểm và vốn PE thì lại chưa chứng minh được rằng giai đoạn đốt tiền sẽ chấm dứt và họ có thể bắt đầu tạo ra lợi nhuận.
“Có những công ty như Uber và Lyft đã hưởng lợi sau nhiều năm nhận được vốn đầu tư mạo hiểm trong một môi trường vốn giá rẻ nhưng đang bị đặt dấu hỏi lớn về khả năng sinh lời trong dài hạn, khi họ đã đốt hàng tỉ USD”, Lebeau nói.
Cũng có những công ty có thể thúc đẩy tăng trưởng và giảm dần được mức lỗ như Pinterest. Nhưng cho dù vậy, những công ty này lại không phù hợp với các yêu cầu về rủi ro của các nhà đầu tư giàu có như các nhà đầu tư tại châu Âu, theo Patrik Lang, đứng đầu bộ phận nghiên cứu cổ phiếu tại Julius Baer.
Đối với những ai vẫn chưa chắc chắn về các đợt IPO của các công ty đang làm ăn thua lỗ, William de Gale, người đã có 20 năm tại BlackRock quan sát ngành công nghệ trước khi trở thành nhà quản lý tài sản tại BlueBox Asset Management, đưa ra một quy tắc đơn giản: “Đừng đến gần chúng”.
William De Gale cho biết, những công ty như vậy phát hành IPO với một lý do rất đơn giản: “Họ cần lên sàn để thỏa mãn các nhà đầu tư cổ phần tư nhân đã rót vốn vào họ trước đó, nhưng không công ty nào trong số đó cần tính kỷ luật trong việc tạo ra lợi nhuận, hoặc thậm chí không có một kế hoạch thực sự để tạo ra lợi nhuận”.