Boeing đối diện hình phạt từ WTO
Beoing và Airbus nằm trong tâm điểm cuộc tranh luận kéo dài cả chục năm giữa EU và Mỹ về việc ưu đãi thuế trái quy định WTO. Ảnh: Boeing |
Hôm nay, Tổ chức Thương mại Thế giới sẽ đưa ra quyết định về việc liệu Boeing nhận hay không nhận sự hỗ trợ trái phép từ chính quyền cấp bang của Mỹ cho dòng máy bay thân rộng mới nhất.
Nguồn tin thân cận với sự việc nói với Wall Street Journal rằng phán quyết của WTO liên quan đến khoản ưu đãi thuế mà Boeing nhận được từ bang Washington để sản xuất dòng máy bay thân rộng 777X.
Đây là diễn biến mới nhất trong cuộc tranh cãi kéo dài nhiều năm giữa Mỹ và Liên minh châu Âu xung quanh việc hỗ trợ cho Boeing và Airbus. Boeing cho biết khoản hỗ trợ thuế cho dòng máy bay 777X có giá trị 50 triệu đôla Mỹ mỗi năm.
Những vụ việc tranh cãi trong ngành hàng không thường mất nhiều năm trời để giải quyết và được theo dõi chặt chẽ để kiểm chứng tính hiệu quả của các quy định quốc tế. Sau khi Donald Trump trúng cử Tổng thống Mỹ, giới kinh doanh, phân tích càng chú ý vào những vụ tranh chấp thương mại như sự vụ lần này. Nếu lệnh cấm từ WTO sẽ có hiệu lực, cả hai nhà sản xuất máy bay lớn của Mỹ và châu Âu là Boeing và Airbus sẽ chịu ảnh hưởng từ năm sau.
Cách đây hai năm, Liên minh châu Âu đã lên tiếng với WTO rằng họ quan ngại về gói hỗ trợ dành cho 777X, một phiên bản mới của dòng sản phẩm 777 trước đây. Phiên bản này đã nhận được hơn 300 đơn đặt hàng từ nhiều hãng hàng không như Emirates hay Lufthansa.
EU cho rằng Boeing đã dành 8 tỷ USD trong chương trình ưu đãi thuế trái phép cho chương trình 777X và những khoản ưu đãi này cần được hủy bỏ ngay lập tức. Trong khi đó, phía quan chức Mỹ cho rằng con số 8 tỷ USD đã bị thổi phồng.
Nguồn tin thân cận cho biết WTO có thể bác bỏ hầu hết những khiếu nại của EU, nhưng sẽ đồng ý rằng ưu đãi thuế từ Washington dành cho Boeing là bị trái quy định và sẽ phải thu hồi.
Đã nhiều năm nay, hai đối thủ ở hai bờ Đại Tây Dương, Airbus và Boeing đã liên tục tố nhau về việc giành được hợp đồng nhờ những khoản ưu đãi trái quy định từ chính phủ. Nhà sản xuất nào cũng cho rằng đối thủ nhận được vài tỷ USD trong các chương trình hỗ trợ tài chính trái với quy định thương mại quốc tế.
Hồi tháng 9, WTO kết luận rằng EU đã không làm tròn việc ngừng hỗ trợ cho Airbus như yêu cầu của tổ chức này trước đó.
Giới chuyên gia cho rằng sự việc này nếu không được giải quyết có thể châm ngòi để EU và Mỹ áp dụng hàng rào thương mại trị giá hàng tỷ USD lẫn nhau, ví dụ lên hàng hóa và dịch vụ không liên quan đến hàng không.
Những tranh cãi về ưu đãi giữa hai đối thủ đã bắt đầu từ cách đây cả chục năm. Hai bên đã từng đi đến một thỏa thuận hồi 1992, nhưng Mỹ rút khỏi thỏa thuận vào năm 2004 với tuyên bố rằng không công bằng với họ vì Airbus được lợi hơn.
Sau đó, Mỹ đưa vụ việc ra WTO, cáo buộc các thành viên EU đã hỗ trợ một cách trái phép đối với nhà sản xuất máy bay có trụ sở chính tại Toulouse, Pháp. Nhanh chóng sau đó, EU cũng bắt đầu một đơn kiện tương tự nhắm vào Mỹ, cho rằng Mỹ đã ưu đãi trái phép đối với Boeing. Hiện Boeing vẫn là nhà sản xuất máy bay lớn nhất thế giới xét về số lượng sản phẩm.
Lần này, EU nhắm riêng vào ưu đãi dành cho dòng máy bay 777X vì chương trình này vẫn chưa ra mắt cho đến khi các vụ việc trước đó được giải quyết xong.
Theo các luật sư về thương mại, toàn bộ sự việc ưu đãi thuế này diễn biến chậm do tính chất phức tạp. Giải quyết thấu đáo có thể mất quá trình nhiều năm. Các quan chức Mỹ cho biết họ có thể áp dụng hình phạt lên châu Âu nếu EU chậm thực thi phán quyết của WTO đến cuối năm sau.