|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Bộ Y tế lên tiếng về 18.000 chai tương ớt Chin-su bị thu hồi

20:00 | 06/04/2019
Chia sẻ
Thông tin từ Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế hôm nay 6-4 cho biết:cơ quan này đang nhanh chóng làm rõ vụ trên 18.000 chai tương ớt Chin-su bị thu hồi tại Nhật Bản.
Bộ Y tế lên tiếng về 18.000 chai tương ớt Chin-su bị thu hồi - Ảnh 1.

Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, hiện chưa có thông tin từ cơ quan chức năng Nhật Bản về việc thu hồi sản phẩm tương ớt Chin-su nhập khẩu từ VN, nhưng cơ quan này cũng đang cho làm rõ vụ việc, đặc biệt là nguyên nhân dẫn đến việc thu hồi và nguồn gốc hàng hóa.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online về nguyên nhân lô hàng kể trên bị thu hồi tại Nhật Bản như thông tin từ website của thành phố Osaka, Nhật, nơi thu hồi tương ớt Chin-su (sản phẩm chứa acid bezoic, trong khi quy định tại Nhật Bản không cho phép tương ớt được bảo quản bằng chất này), chuyên gia của Cục An toàn thực phẩm cho biết acid benzoic có trong danh mục phụ gia bảo quản của Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (cả VN và Nhật Bản đều là thành viên).

Tuy nhiên chuyên gia này cho rằng cần phải làm rõ xem loại phụ gia này có được sử dụng trong sản xuất tương ớt hay không. Cục sẽ sớm làm rõ và trả lời công luận.

Về nguy cơ nếu sử dụng phụ gia acid benzoic trong sản phẩm, đại diện Cục An toàn thực phẩm cho biết nếu dùng quá hàm lượng cho phép và ngoài danh mục sản phẩm được phép, acid benzoic gây kích ứng dạ dày, viêm dạ dày... ở người sử dụng.

Liên quan đến lệnh cấm này, Tuổi Trẻ Online trao đổi với một số chuyên gia về an toàn thực phẩm.

Bác sĩ CKII Đỗ Thị Ngọc Diệp - Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, cho biết mỗi quốc gia đều có những quy định riêng về danh mục phụ gia và hàm lượng phụ gia trong thực phẩm trên một trọng lượng nhất định.

Theo bác sĩ Diệp, hai chất axit benzoic, axit sorbic không phải là chất cấm. Ở Việt Nam hai chất này nằm trong danh mục phụ gia thực phẩm được phép sử dụng. Trong sản xuất thực phẩm, nhà sản xuất buộc phải sử dụng hai chất phụ gia này mới định hình được sản phẩm, tạo độ sánh, sệt.

TS Phan Thế Đồng - chuyên gia về công nghệ thực phẩm Trường ĐH Hoa Sen TP.HCM cũng cho biết trong chế biến thực phẩm axit benzoic, axit sorbic đều là chất bảo quản bình thường, không phải chất cấm. Hai chất này ở một số nước cho phép sử dụng nhưng tuân thủ theo quy định về liều lượng.

Ủy ban tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (Codex) hiện quy định axit sorbic được sử dụng trong thực phẩm từ 0,05-0,2% (tối đa 1%), còn axit benzoic sử dụng từ 0,05-0,1%.

Chiếu theo tiêu chuẩn của Codex so với hàm lượng axit benzoic được phát hiện trong tương ớt Chin-su bị Nhật thu hồi (lần lượt 0,41g/kg; 0,44g/kg và 0,45g/kg), TS Đồng cho rằng lô tương ớt bị thu hồi vẫn nằm trong tiêu chuẩn cho phép của quốc tế.

"Có thể quy định của Nhật khắt khe hơn, họ không muốn có chất bảo quản trong đó. Tiêu chuẩn của Codex được coi như định chế tham khảo chung các bên dựa vào đó buôn bán.

Việc bị thu hồi như trên cần phải xem xét lại hợp đồng giao ước về tiêu chuẩn riêng, cụ thể giữa đơn vị xuất khẩu và nhập khẩu sản phẩm này. Đó có thể mới là vấn đề mà Nhật thu hồi sản phẩm này" - TS Đồng phân tích.

Xét về góc độ sức khỏe, theo TS Đồng, trong hai loại này thì axit benzoic tương đối độc hơn so với axit sorbic.

Cụ thể benzoic có gốc axit, khi biến đổi kết hợp với gốc rượu trở thành paraben - chất hiện đang cấm sử dụng trong các loại khăn ướt, khăn giấy bởi tiếp xúc có thể thấm qua da.

Ngoài ra sử dụng nhiều chất này có thể phản ứng với vitamin C có trong thực phẩm sinh ra benzen - một chất có thể gây ung thư. Còn axit sorbic không gây ảnh hưởng lớn đối với sức khỏe, tương tự một số loại axit béo khác.

Cục an toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khẳng định liên quan đến phụ gia trong thực phẩm, hiện nay có 186 nước dùng theo tiêu chuẩn chung của Codex, trong đó có Việt Nam.

"Tiêu chuẩn chung là thế nhưng các thành viên của Codex có nước lại cho phép và có nước lại tuyệt đối cấm" - lãnh đạo Cục an toàn thực phẩm cho biết và khẳng định sẽ xác minh vụ việc.

Hoàng Lộc - Lan Anh