Bộ Xây dựng sắp tung 'hàng khủng' ra thị trường
Bộ Xây Dựng sẽ trình kế hoạch cổ phần hóa VICEM vào cuối năm |
Báo Đầu tư Chứng khoán đã có cuộc trao đổi với ông Đậu Minh Thanh, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp, Bộ Xây dựng về tiến độ thực hiện thoái vốn nhà nước tại các DN này.
Thưa ông, sau Idico, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục cổ phần hóa các DN nào?
Bộ Xây dựng hiện chỉ còn lại 4 tổng công ty đang thực hiện cổ phần hóa là Tổng công ty Sông Đà, Tổng công ty Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam (Idico), Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD), Tổng công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam (VICEM). Như kế hoạch đã công bố, Idico sẽ tổ chức đấu giá cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) vào ngày 5/10 tới và dự kiến sang tháng 11/2017 sẽ chính thức chuyển thành công ty cổ phần.
Ông Đậu Minh Thanh |
Tiếp theo là Sông Đà, Thủ tướng đã phê duyệt phương án cổ phần hóa; trong đó có tỷ lệ dành bán cho nhà đầu tư chiến lược. Tuy nhiên, đến hiện tại, chưa có nhà đầu tư nào quan tâm, nên Bộ đã báo cáo Thủ tướng đề nghị cho phép điều chỉnh lại cơ cấu bán cổ phần, số cổ phần dành cho cổ đông chiến lược sẽ chuyển sang đấu giá công khai khi IPO.
Phương án điều chỉnh đang trình và nhiều khả năng Thủ tướng sẽ phê duyệt vào cuối tháng 9. Mục tiêu kế hoạch đến đầu tháng 11/2017, Tổng công ty Sông Đà sẽ IPO và chuyển sang hoạt động theo hình thức công ty cổ phần vào đầu tháng 1/2018.
Vậy HUD và VICEM có kịp hoàn thành cổ phần hóa trong năm 2017 hay không?
Đối với HUD, Bộ Xây dựng đã trình phương án cổ phần hóa từ tháng 4/2017. Tuy nhiên, theo Nghị định 01/2017/NĐ-CP quy định chi tiết về Luật Đất đai thì khi chuyển giao tài sản phải có phương án sử dụng và tính giá đất, trong khi đến thời điểm trình phương án cổ phần hóa, mới chỉ có 6/12 địa phương nơi HUD sở hữu đất có phương án sử dụng đất.
Vì vậy, Bộ Xây dựng đề nghị rà soát lại nội dung xác định giá trị doanh nghiệp và phương án cổ phần hóa để đảm bảo sự chính xác, phù hợp với quy định hiện hành.
Bên cạnh đó, Vicem là tổng công ty có quy mô lớn, chiếm khoảng 50% vốn nhà nước tại 16 tổng công ty có vốn nhà nước do Bộ Xây dựng làm đại diện chủ sở hữu, nên Bộ đang cố gắng đến cuối năm nay sẽ hoàn thành phương án cổ phần hóa trình Thủ tướng. Nếu được thông qua, sang năm 2018, Vicem sẽ bắt đầu triển khai bán vốn và hoàn thành cổ phần hóa.
Dự kiến tỷ lệ sở hữu của cổ đông nhà nước tại các tổng công ty này sau cổ phần hóa như thế nào?
Theo Quyết định 58/2017/QĐ-TTg, các công ty hoạt động trong ngành xây dựng, Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần. Idico sau khi cổ phần hóa sẽ thoái hết vốn nhà nước, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2018.
3 công ty còn lại (HUD, Sông Đà và VICEM) cũng sẽ thoái hết vốn nhà nước. Đây là 3 DN lớn, có tác động nhất định trong ngành xây dựng, do vậy Bộ đã xây dựng Đề án báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho phép thực hiện cổ phần hóa và bán bớt phần vốn nhà nước, trong đó Nhà nước nắm giữ 51% vốn điều lệ đến hết năm 2019, sau đó sẽ thực hiện thoái vốn theo đúng quy định.
Ngoài cổ phần hóa các tổng công ty lớn, việc thoái vốn nhà nước ở các DN của Bộ Xây dựng sẽ được thực hiện như thế nào?
Bộ Xây dựng thực hiện việc thoái vốn Nhà nước tại các tổng công ty - CTCP theo đúng lộ trình tại Thông báo số 147/TB-VPCP ngày 17/3/2017 và Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017. Cụ thể:
Năm 2017 sẽ thoái vốn tại 7 đơn vị, trong đó thoái toàn bộ tại 3 tổng công ty: Sông Hồng, FiCO, CC1 và thoái về 51% tại 5 tổng công ty: Xây dựng Hà Nội, Xây dựng Bạch Đằng, VIWASEEN, COMA, VNCC.
Năm 2018, tiến hành thoái vốn tại 8 đơn vị, trong đó thoái toàn bộ tại 6 tổng công ty: DIC, Xây dựng Hà Nội, Xây dựng Bạch Đằng, VIWASEEN, COMA, VNCC và thoái về 51% đối Tổng công ty Lilama, thoái về 36% đối Tổng công ty Viglacera.
Năm 2019, thoái toàn bộ vốn nhà nước tại Tổng công ty Lilama (51%) và Tổng công ty Viglacera (36%).
Như vậy, kế hoạch thoái vốn được dồn sang năm 2018 rất nhiều. Liệu Bộ Xây dựng có kịp hoàn thành tiến độ hay không và khó khăn lớn nhất là gì?
Lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo và quán triệt tới người đại diện vốn tại DN và các đơn vị chức năng việc triển khai thực hiện lộ trình thoái vốn nhà nước theo Quyết định 1232/QĐ-TTg. Hiện tại, tiến độ thực hiện đang được triển khai rất tích cực. Về mục tiêu tổng thể có thể hoàn thành tiến độ thoái vốn, nhưng chi tiết từng DN có thể có du di về thời gian.
Khó khăn lớn nhất là công tác xác định giá trị DN, bởi đây đều là các công ty có quy mô khá lớn, địa bàn hoạt động rộng, có nhiều tài sản là quyền sử dụng đất, quyền khai thác mỏ… Việc xác định giá trị DN để cổ phần hóa, xây dựng phương án sử dụng đất liên quan tới nhiều bộ ngành và địa phương, dẫn tới quá trình xem xét, lấy ý kiến thống nhất mất nhiều thời gian.
Ngoài ra, Bộ Xây dựng mong các cơ quan chức năng sớm ban hành sửa đổi Nghị định 59/2011/NĐ-CP và Nghị định 91/2015/NĐ-CP, nhằm tháo gỡ cơ bản các vướng mắc, bất cập trong công tác cổ phần hóa DN nhà nước và thoái vốn nhà nước tại DN.
Các nhà đầu tư quan tâm đến cơ hội đầu tư vào DN do Bộ Xây dựng quản lý có thể tìm hiểu thông tin ở địa chỉ nào?
Trên trang web của Bộ Xây dựng và các tổng công ty luôn công khai thông tin về tiến trình cổ phần hóa cũng như địa chỉ các đơn vị đầu mối tiếp nhận thư quan tâm của các nhà đầu tư. Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng mong sẽ có nhiều nhà đầu tư quan tâm đến công tác cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại các DN thuộc Bộ.
Tồn kho bất động sản Hà Nội tiếp tục giảm nhưng chậm hơn Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết tồn kho bất động sản tại Hà Nội tiếp tục ... |
Bộ Xây dựng yêu cầu công khai quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn Hà Nội Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng Nguyễn Ngọc Tuấn vừa ký kết luận thanh tra việc thực hiện chiến lược phát triển nhà ở quốc ... |
12 nhà đầu tư muốn trở thành cổ đông chiến lược của Idico Tại Hội thảo cơ hội đầu tư cổ phiếu của Tổng công ty Đầu tư Phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam ... |