Bộ TTTT sắp cấp phép tần số 2.6 Ghz để tăng tốc độ 4G
Mạng di động 4G tại Việt Nam: Rẻ thì có rẻ, nhưng hay 'chập chờn' | |
Tốc độ phát triển 4G ở VN không cao |
Tốc độ Internet di động tại Việt Nam đã có nhiều bước tiến đáng kể, nhưng vẫn chưa xứng với hạ tầng mạng hiện có. Đây là lý do khiến Bộ TT&TT thúc đẩy cấp phép tần số 2.6 Ghz để tăng tốc độ mạng 4G.
Tốc độ Internet 4G của Việt Nam là bao nhiêu?
Hồi tháng 7/2017, Cục Viễn thông đã công khai kết quả đo kiểm 4G của một số nhà mạng tại khu vực Hà Nội. Kết quả đo kiểm này phản ánh chất lượng các chỉ tiêu chất lượng kỹ thuật trong vùng lõi của địa bàn trong thời gian đo kiểm.
Theo đó, tốc độ 4G tải xuống trung bình của MobiFone tại Hà Nội là 36,91 Mbit/giây, tốc độ tải lên trung bình là 19,28 Mbit/giây. Với Viettel, tốc độ tải xuống trung bình là 34,9 Mbit/giây, tải lên là 16,88 Mbit/giây.
Kết quả khi tiến hành 5 phép thử mạng 4G của MobiFone với ứng dụng Speedtest. Nếu tính trung bình, dịch vụ 4G của nhà mạng này có tốc độ thực tế là 20.56 Mbit/giây (đường xuống) và 16.48 Mbit/giây (đường lên). |
Theo số liệu được Open Signal công bố, tốc độ kết nối 4G của Việt Nam năm 2018 là 21,49 Mbit/giây (đường xuống). Hiện Việt Nam đang xếp thứ 46 trên tổng số 88 quốc gia có tên trong bảng xếp hạng tốc độ 4G của Open Signal.
Thống kê này dựa trên 58 tỷ phép đo với 4,8 triệu thiết bị tham gia thử nghiệm trên toàn cầu. Việc lấy mẫu được thực hiện từ ngày 1/10 cho đến ngày 29/12/2017.
Tốc độ 4G tại Việt Nam hiện đứng thứ 2 tại khu vực Đông Nam Á. Con số này cao hơn hẳn Thái Lan (thứ 84, tốc độ 9,6 Mbit/giây), Malaysia (thứ 70, tốc độ 14,83 Mbit/giây) hay Campuchia (thứ 75, tốc độ 13,9 Mbit/giây) và chỉ thấp hơn Singapore (thứ 1, tốc độ 44,31 Mbit/giây).
Trong bảng xếp hạng về tốc độ 4G của Open Signal, Việt Nam xếp thứ 46 với tốc độ đường xuống là 21,49 Mbit/giây. Tốc độ này ngang ngửa với 4G tại Anh và cao hơn 4G tại Mỹ. |
Số liệu của Open Signal cũng cho thấy, tốc độ 4G trung bình của thế giới là 16,9 Mbit/giây. Xét trên bình diện toàn cầu, tốc độ 4G của Việt Nam hiện ở giữa bảng xếp hạng và cao hơn mức trung bình của thế giới.
Đáng chú ý khi tốc độ 4G của Việt Nam tương đương với Anh (thứ 41, 23,11 Mbit/giây) và Đức (thứ 44, 22,67 Mbit/giây). Tuy vậy, tốc độ này còn kém xa và chỉ bằng một nửa so với nhóm các nước dẫn đầu như Singapore, Hà Lan (42,12 Mbit/giây), Nauy (41,2 Mbit/giây) và Hàn Quốc (40,44 Mbit/giây).
Biểu đồ thể hiện tốc độ (Mbit/giây) và tính khả dụng của mạng 4G (%) tại các quốc gia. Các quốc gia ở vị trí góc trên bên phải sẽ có khả năng kết nối 4G tốt và tốc độ nhanh hơn. Trong khi đó các quốc gia ở góc dưới bên trái sẽ có khả năng kết nối hạn chế và tốc độ thấp. Ở biểu đồ này, Việt Nam (chấm đỏ) gần như ở vị trí chính giữa với tốc độ và khả năng kết nối 4G ở mức khá. |
Do các tiêu chí thử nghiệm khác nhau, sự chênh lệch về kết quả giữa các phép đo là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, việc tốc độ 4G trên thực tế chỉ bằng một nửa so với con số đưa ra bởi Cục Viễn thông cho thấy độ vênh quá lớn giữa 2 kết quả này.
Đẩy nhanh cấp phép băng tần 2.6GHz, quyết tăng tốc độ mạng 4G
Giấy phép cung cấp dịch vụ mạng thế hệ thứ 4 (4G) đã được Bộ Thông tin & Truyền thông cấp cho các doanh nghiệp viễn thông ở thời điểm tháng 10/2016. Tính đến nay, ngoại từ Gmobile, 4 trong tổng số 5 nhà mạng tại Việt Nam hiện đã chính thức cung cấp dịch vụ 4G.
Sau hơn 1 năm chính thức triển khai, cả nước đã có hơn 13 triệu thuê bao băng rộng di động 4G phát sinh lưu lượng qua mạng. Số thuê bao này chiếm khoảng gần 30% tổng số thuê bao di động và tập trung chủ yếu ở các thành phố, thị xã, thị trấn.
Lưu lượng dữ liệu trao đổi trung bình qua mạng di động tại Việt Nam hiện cao gấp đôi so với thời điểm năm 2016. Tuy nhiên, thực tế triển khai cho thấy, lưu lượng băng thông dùng cho 4G trên băng tần 1.800 MHz quá thấp so với nhu cầu thực tế. Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng dịch vụ 4G.
Diện tích phủ sóng 4G của Viettel. Đây cũng là nhà mạng có vùng phủ lớn nhất và có khả năng bao quát khoảng 95% dân số Việt Nam. |
Tại cuộc họp với đại diện các bộ ngành sáng 26/7 do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì về tháo gỡ khó khăn trong cấp phép băng tần để triển khai mạng 4G, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết đã có phương án cấp phép khai thác băng tần 2.6 GHz.
Tính đến thời điểm này, đã có 4 trong tổng số 5 nhà mạng đăng ký khai thác dải tần số mới. Đây đều là các nhà mạng đang cung cấp dịch vụ mạng 4G tại Việt Nam.
Khi được hỏi về vấn đề này, trao đổi với Pv.VietNamNet, ông Lê Văn Tuấn, Phó Cục trưởng phụ trách điều hành Cục Tần số Vô Tuyến Điện (Bộ TT&TT) cho biết, lãnh đạo Bộ đang chỉ đạo sớm cấp phép băng tần 4G. Tuy nhiên hiện tại vẫn chưa có thông tin cụ thể.
Trước đó, trong buổi họp giao ban tháng 8/2018 của Bộ TT&TT, Quyền Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã lưu ý việc tiếp tục hoàn thiện phương án đấu giá băng tần 2,6 GHz, dự thảo phương án xử lý băng tần 850 MHz và đầu số 095 để báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ.
Người đứng đầu Bộ TT&TT chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ cần tháo gỡ khó khăn trong cấp phép băng tần để triển khai, đảm bảo chất lượng công nghệ mạng 4G.
Theo đó, Bộ TT&TT sẽ cấp tần số ngay trong quý III để các doanh nghiệp tiến hành triển khai mạng di động 4G. Riêng đối với 5G, cần phải quy hoạch và cho phép các doanh nghiệp thử nghiệm ngay dịch vụ 5G tại Việt Nam. Đây là nhiệm vụ mà Bộ TT&TT sẽ ưu tiên triển khai trong những tháng còn lại của năm 2018.
Xem thêm |