|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Không buông xuôi ở nhà máy Đạm Ninh Bình

22:13 | 21/02/2018
Chia sẻ
Thăm và làm việc tại Nhà máy Đạm Ninh Bình ngày đầu năm, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định Bộ sẽ vực dậy nhà máy bị nêu tên là một trong 12 dự án yếu kém này.

Thăm và làm việc tại Nhà máy Đạm Ninh Bình ngày đầu năm, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định Bộ sẽ vực dậy nhà máy bị nêu tên là một trong 12 dự án yếu kém này.

Ngày làm việc sau Tết Nguyên đán, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đã thăm và làm việc tại Nhà máy Đạm Ninh Bình, nơi được coi là một trong 12 dự án yếu kém ngành công thương. Bộ trưởng trực tiếp thăm dây chuyền sản xuất, chứng kiến những lô sản phẩm ra lò sau nỗ lực tái khởi động nhà máy tháng 1 vừa qua.

Nợ chồng nợ, không có vốn mua nguyên liệu sản xuất

Ngày 29/1, Đạm Ninh Bình tái khởi động và đã sản xuất khoảng 27.000 tấn sản phẩm phân ure; đã bán được 23.000 tấn trong số đó và còn 4.000 tấn chưa tiêu thụ, do trùng vào dịp Tết Nguyên đán.

Lãnh đạo nhà máy cũng cho biết Đạm Ninh Bình khởi động lại nhưng còn gặp nhiều khó khăn. Nhà máy mới chỉ chạy được 80% công suất, nguyên liệu đầu vào (than) thiếu, không có vốn lưu động cho sản xuất, dây chuyền thiết bị công nghệ cần tiền để bảo dưỡng… Ngoài ra, nhiều lao động được đào tạo có trình độ cao đã rời bỏ nhà máy, gây khó khăn cho công tác vận hành.

bo truong tran tuan anh khong buong xuoi o nha may dam ninh binh
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh hỏi thăm kỹ sư tại nhà máy. Ảnh: Hiếu Công.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, thành viên ban chỉ đạo xử lý 12 dự án yếu kém ngành công thương, chỉ ra 3 vấn đề chính mà Đạm Ninh Bình đang gặp phải. Thứ nhất, than là nguyên liệu đầu vào, chiếm 56-60% giá thành sản xuất đạm, ngày càng tăng giá trong khi giá bán phân đạm lại xuống. Hiện giá thành khi vận hành từ than đến đạm chỉ lãi khoảng 400.000-500.000 đồng/tấn, chưa trừ các chi phí như lãi suất ngân hàng, nhân công…

Thứ hai, Đạm Ninh Bình đang rất khó khăn về vốn. Nhà máy cần tiền để mua nguyên liệu đầu vào và hiện vay của TKV 133 tỷ đồng để vận hành đến khoảng cuối quý I. Giai đoạn tiếp theo cần mua thêm 40.000 tấn than nữa, tương đương khoảng 80 tỷ đồng. Nợ chồng nợ, nhà máy không có vốn để mua nguyên liệu.

Thứ ba, Đạm Ninh Bình cũng khó khăn về vốn vay ngân hàng. Lãnh đạo nhà máy đang đề nghị vay thêm để đại tu nhà máy, có vốn lưu động để sản xuất.

bo truong tran tuan anh khong buong xuoi o nha may dam ninh binh
Lãnh đạo Bộ Công Thương tham quan, làm việc tại nhà máy Đạm Ninh Bình ngày 21/2 (mùng 6 Tết Mậu Tuất). Ảnh: Hiếu Công.

Trong khi đó, ông Hải cho biết nhà máy cần vận hành thật tốt, tránh để xảy ra những sự cố đáng tiếc để phải dừng hoạt động, vì dừng hoạt động một lần là nhà máy thiệt hại 8-10 tỷ đồng.

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Đinh Văn Điến cũng thông tin nhà máy đang chồng chất khó khăn. Nhưng với chủ trương không có “bà đỡ” cho các dự án yếu kém, việc còn tiếp tục tồn tại dự án hay không cũng đã được cân nhắc.

“Đã có lúc chúng ta tính đến việc có tồn tại nữa hay không, hoặc cần có giải pháp nào đó. Để hoạt động, hay là muốn chuyển đổi”, ông nói.

Bộ chưa bao giờ tính chuyện xóa bỏ nhà máy

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định chưa bao giờ Bộ Công Thương hay Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đặt vấn đề để tồn tại nhà máy Đạm Ninh Bình hay không mà chỉ tính đến việc làm thế nào để hoạt động ổn định, hiệu quả, không nói đến việc xóa sổ nhà máy này.

Người đứng đầu ngành công thương nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của nhà máy đạm này với ngành công nghiệp Việt Nam, tạo ra sản phẩm nội địa, đóng góp vào ngành hóa chất và giúp phát triển ngành nông nghiệp.

Nhưng Bộ trưởng cũng thừa nhận nhà máy còn tồn tại nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan tích tụ qua nhiều giai đoạn khác nhau, đặt ra sự thách thức sự tồn tại. Ông ghi nhận sự cố gắng của lãnh đạo nhà máy trong nỗ lực vận hành, sản xuất và nhấn mạnh còn rất nhiều vấn đề phải làm và rút kinh nghiệm.

bo truong tran tuan anh khong buong xuoi o nha may dam ninh binh
Nhà máy Đạm Ninh Bình là một trong 12 dự án yếu kém với khoản thua lỗ lên tới hơn 2.000 tỷ đồng . Ảnh: Nguyễn Dương.

Ông cũng cho rằng cần sớm xây dựng đề án cụ thể, khắc phục những tồn tại của nhà máy, song song với đó là duy trì vận hành, không để nhà máy dừng hoạt động. Người lao động được đào tạo phải có chính sách để họ gắn bó, không bỏ việc.

Ông cũng đề nghị cần tăng hiệu suất sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ.

"Với các vấn đề lớn, Bộ Công Thương và Vinachem sẽ xem xét và cùng tìm biện pháp tháo gỡ. Nhưng nhà máy cần tự cứu mình trước khi trời cứu. Nếu không tự cứu mình bằng chất lượng, sản lượng thì không thể làm gì được. Lãnh đạo nhà máy cũng phải tuyên truyền để mọi người hiểu nó đang tồn tại, khó khăn ra sao và nỗ lực vực dậy như thế nào”, Bộ trưởng nói.

Hiếu Công