Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Đang tới lúc cạnh tranh 'sinh-tử'
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh. - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Bên lề hội nghị Tổng kết của ngành Công Thương diễn ra ngày 6/1, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã chia sẻ một số vấn đề liên quan đến nhiệm vụ của Bộ.
Tại hội nghị tổng kết của ngành công thương ngày 6/1, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra nhiều nhiệm vụ đối với ngành trong thời gian tới. Nhiệm vụ nào sẽ là nhiệm vụ ưu tiên, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Tôi cho rằng có mấy vấn đề cần tập trung quyết liệt.
Đầu tiên là nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, kiện toàn thể chế. Môi trường kinh doanh phải làm sao giải phóng tối đa sức sản xuất, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế, DN bình đẳng có thể tiếp cận thị trường, khai thác nguồn lực của quốc gia để phục vụ cho việc phát triển kinh tế- xã hội.
Chúng ta đang đi đến giai đoạn 'sinh- tử' khi hội nhập sâu rộng vào thế giới, nếu năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, của sản phẩm, của DN không được bảo đảm thì chúng ta sẽ thua.
Tiếp theo là công cuộc hội nhập. Chúng ta đã có những khung khổ hội nhập sâu, rộng, cơ hội lớn tiếp cận thị trường nước ngoài. Bên cạnh việc nâng cao năng lực cạnh tranh thì việc bảo vệ hệ thống sản xuất trong nước, thị trường nội địa bằng những công cụ, biện pháp phù hợp với các cam kết hội nhập là việc cần thiết.
Việc đổi mới mô hình tăng trưởng cũng đặc biệt quan trọng với Bộ Công Thương. Mô hình tăng trưởng dứt khoát không thể là mô hình tăng trưởng nóng về tốc độ mà phải hướng tới chất lượng, chiều sâu. Có nghĩa là, hàm lượng công nghệ, năng suất lao động, nhân tố tổng hợp phải đóng vai trò thiết yếu trong giá trị gia tăng và giá trị sản phẩm. Phải có sự kết nối giữa các cơ quan nhà nước tạo thuận lợi trong việc đưa ứng dụng công nghệ để khuyến khích DN nâng cao năng suất lao động, quản trị DN.
Bộ Công Thương cũng chú trọng tới công tác đổi mới DN nhà nước, sắp xếp lại hiệu quả đi kèm với hoàn thiện thể chế để đảm bảo việc quản trị của các DN hiệu quả hơn, tránh tham ô, lãng phí, sử dụng không hiệu quả.
Đặc biệt, trong năm 2017, Bộ chú trọng việc khắc phục giải quyết những vấn đề còn tồn tại đang gây bức xúc xã hội. Điều chúng ta lo ngại không chỉ là giá trị của các dự án thua lỗ mà còn phải tìm ra “căn bệnh”, nguyên nhân để có biện pháp xử lý khắc phục. Không đơn thuần chỉ là giải quyết dự án đó mà phải rút được bài học kinh nghiệm để hoàn thiện thể thế, pháp luật nhằm ngăn ngừa, không để xảy ra tình trạng tương tự.
Vừa rồi, Thủ tướng đã nhấn mạnh không thể tiếp tục "ném tiền" vào những dự án không hiệu quả. Bộ Công Thương sẽ giải quyết ra sao?
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Ngay sau khi trả lời chất vấn tại Quốc hội trong kỳ họp thứ 2, Chính phủ đã có những bước đi cụ thể và quyết định thành lập Ban chỉ đạo của Chính phủ, Ban chỉ đạo của Bộ Công Thương để giải quyết dứt điểm những dự án tồn đọng.
Lãnh đạo Bộ Công Thương sẽ trực tiếp cùng các tập đoàn, tổng công ty, DN đang quản lý những dự án tồn đọng đó tổ chức kiểm tra đánh giá toàn bộ dự án về giá trị tài sản, tính khả thi, hiệu quả của dự án, kinh tế, kỹ thuật… để tìm ra giải pháp thu hồi lại tài sản Nhà nước, giảm bớt mất mát về nguồn lực xã hội.
Với những dự án có điều kiện tiếp tục khôi phục, phát triển, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục làm rõ trách nhiệm cá nhân, đơn vị liên quan, từ đó căn cứ trên khung khổ pháp lý để có biện pháp xử lý.
Mặt khác, các bộ quản lý có liên quan cũng cần rút ra bài học kinh nghiệm để hoàn thiện khung khổ pháp lý đảm bảo quản lý các DN Nhà nước, nguồn lực đầu tư công… không để xảy ra tình trạng từ lúc phê duyệt dự án cho đến quản lý, thực hiện dự án có những nguy cơ mất vốn, thất thoát tài sản, tham ô.
Vấn đề đổi mới, sắp xếp DN Nhà nước là định hướng lớn của Chính phủ và chúng tôi vẫn đang tiến hành. Thời gian qua, dù đã thực hiện theo đúng tiến độ nhưng chất lượng của việc thoái vốn, cổ phần hóa chưa đạt yêu cầu. Do vậy, Bộ Công Thương sẽ rút kinh nghiệm trong việc hoàn thiện thể chế, hướng dẫn cụ thể để DN thực hiện thuận lợi hơn bởi cổ phần hóa không chỉ đơn thuần là thoái vốn, bán cổ phần thành công mà còn phải chống thất thoát tài sản của Nhà nước, đồng thời giải quyết thỏa đáng vấn đề liên quan đến người lao động…
Thủ tướng có nhắc đến việc đảm bảo cân đối nhu cầu thiết yếu của nền kinh tế, Bộ Công Thương sẽ thực hiện chỉ đạo này thế nào?
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Với quy mô nền kinh tế lớn của một quốc gia có 100 triệu dân, tăng trưởng GDP mỗi năm gần 7% thì có thể thấy, nhu cầu đầu vào cho nền kinh tế cũng như nhu cầu cho đời sống nhân dân về điện, về nhu yếu phẩm... là rất lớn, nhất là trong bối cảnh hội nhập hiện nay. Đó là áp lực lớn cho tất cả các lĩnh vực phải cạnh tranh với các sản phẩm bên ngoài.
Thủ tướng đã nói nhiều đến tăng trưởng xuất khẩu nhưng phải là xuất khẩu bền vững. Điều đó có nghĩa là chúng ta không để phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu, không thể trông đợi vào một số ngành hàng có lợi thế tạm thời cũng như không thể trông chờ một số ưu đãi của thị trường nhất định trong các khung khổ của các hiệp định thương mại tự do. Điều quan trọng là chúng ta phải tổ chức lại sản xuất để bảo đảm năng lực cạnh tranh, đặc biệt là năng lực cạnh tranh dựa trên nhân tố có giá trị gia tăng cao như công nghệ, năng suất lao động.
Có thể thấy trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra, có những vấn đề đang đặt ra cho ngành công thương cũng như nền kinh tế trong năm 2017. Ví dụ, công nghiệp dệt may, da giày… sử dụng lao động lớn sẽ phải đối mặt với áp lực từ robot hóa, tin học tự động hóa.
Như vậy, có hàng loạt vấn đề lớn đang đặt ra với ngành công thương, với những yêu cầu cụ thể của Thủ tướng, ngành công thương sẽ có định hướng, biện pháp cụ thể để triển khai.
Thủ tướng có nói ngành công thương phải rút kinh nghiệm trong việc bổ nhiệm cán bộ. Vậy, biện pháp phòng ngừa của Bộ Công Thương trong thời gian tới là gì, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Không phải đợi đến cuộc tổng kết này mà chúng tôi đã triển khai hàng loạt các biện pháp trong thời gian qua.
Ngay sau khi có quyết định tổ chức đoàn kiểm tra tại Bộ Công Thương về những dấu hiệu vi phạm liên quan đến cá nhân, tập thể, chúng tôi đã coi đó là đợt sinh hoạt chính trị thực chất với thái độ nghiêm túc, cầu thị.
Chính với thái độ đó, cộng thêm việc tổ chức kiểm tra của tổ chức Đảng, chúng tôi đã định vị được những tồn tại, nguyên nhân, từ đó Ban cán sự Đảng của Bộ Công Thương đã có nhiều cuộc họp và đưa ra quyết định trong việc đổi mới công tác cán bộ, cũng như việc thực thi chấp hành công tác cán bộ.
Điều này đã được triển khai cụ thể bằng chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Công Thương về chấn chỉnh công tác cán bộ, xây dựng hàng loạt quy định mới trong công tác cán bộ nhằm khắc phục những tồn tại và có điều kiện phát hiện, sử dụng nguồn nhân lực có phẩm chất chính trị, năng lực chuyên môn.
Xin cảm ơn Bộ trưởng!
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/