|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Tôi chưa thấy cá nhân người nước ngoài nào được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

09:43 | 28/05/2020
Chia sẻ
Song, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà không loại trừ có việc người nước ngoài "núp bóng" thâu tóm đất đai tại một số nơi ở Viêt Nam.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Tôi chưa thấy cá nhân người nước ngoài nào được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trao đổi với báo chí bên hàng lang Quốc hội.

Luật Đất đai không cho phép cá nhân người nước ngoài được cấp quyền sử dụng đất, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà khẳng định khi trao đổi với báo chí bên hàng lang Quốc hội, chiều 27/5.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, Luật Đất đai chỉ cho phép tổ chức, pháp nhân nước ngoài tiếp cận đất đai để kinh doanh, sản xuất theo mục đích đầu tư. Tuy nhiên, ở các khu vực trọng yếu, liên quan đến an ninh, quốc phòng thì cần phải xin ý kiến Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao.

Đã xử lý xong vi phạm

Thưa Bộ trưởng, vừa rồi văn bản của Bộ Quốc phòng trả lời kiến nghị của cử tri nêu rõ dư luận xã hội thấy “đáng ngại” về việc cơ quan chức năng thành phố Đà Nẵng cấp chứng nhận quyền sử dụng 21 lô đất cho người Trung Quốc là có cơ sở. Bộ trưởng nghĩ sao về thông tin này?

Trong những ngày qua, qua báo chí đưa tin một số khu vực đất đai ở vị trí nhạy cảm về an ninh quốc phòng, người nước ngoài được tiếp cận và được cấp quyền sử dụng đất. Đây là thông tin mà dư luận rất quan tâm. Góc độ quản lý nhà nước về tài nguyên - môi trường, tôi cũng hết sức chú ý đến vấn đề này.

Sáng 7/5, Tổng cục Quản lý đất đai đã có buổi làm việc với Bộ Quốc phòng về vấn đề này. Báo cáo của Bộ Quốc phòng, theo tôi hiểu, là nhằm mục đích trinh sát, phát hiện có tính chuyên biệt, tức là qua các nguồn thông tin, trinh sát… cung cấp để các cơ quan quản lý nhà nước tiến hành các biện pháp kiểm tra, thanh tra, điều tra, xác minh.

Điều 13 của Nghị định 43, Điều 58 của Luật Đất đai 2013 quy định là đối với những khu vực quy hoạch mà liên quan đến các vị trí chiến lược an ninh quốc phòng thì bất cứ dự án nào từ khâu quy hoạch đến khi cấp giấy chứng nhận đều phải xin ý kiến của Bộ Quốc phòng, Ngoại giao, Công an.

Sau khi Luật Đất đai 2013 ban hành, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tiến hành kiểm tra, rà soát trên phạm vi cả nước, đặc biệt là những khu vực ở vị trí tiền tiêu, chiến lược như hải đảo, biên giới. Chúng tôi đã phát hiện ra rất nhiều trường hợp do Luật Đất đai 2003 chưa quy định về vấn đề an ninh, quốc phòng nên nhiều trường hợp chưa hỏi ý kiến Bộ Quốc phòng.

Sau khi kiểm tra rà soát , thực hiện ý kiến của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các địa phương đã thực hiện nghiêm và những trường hợp giao không đúng thì đã thu lại hoặc chuyển sang doanh nghiệp Việt Nam.

Còn tại Đà Nẵng, trong báo cáo của Bộ Quốc phòng phản ánh việc trinh sát phát hiện là không sai. Ngay từ năm 2019, cá nhân tôi đã yêu cầu Đà Nẵng rà soát kiểm tra trên toàn bộ thành phố, đồng thời phát hiện có hiện tượng là một số khu vực liên quan đến an ninh, quốc phòng có doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài.

Nhưng khi kiểm tra thì thấy họ không giao đất cho cá nhân. Tất cả hình thức giao đất đều cho pháp nhân – doanh nghiệp. Việc giao đất đó cho 2 trường hợp, thứ nhất là doanh nghiệp liên doanh; thứ hai là mua cổ phần và họ đầu tư trên lĩnh vực bất động sản, kinh doanh thương mại.

Chúng tôi cũng phát hiện tại đấy có những vi phạm, như giao cho tổ chức, nhưng đất đó là đất ở thì không thể kinh doanh được hoặc là khu vực ấy chưa thực hiện nghiêm Luật Đất đai 2013 mà vẫn theo Luật Đất đai 2003, nghĩa là chưa hỏi ý kiến các cơ quan an ninh, quốc phòng về vấn đề doanh nghiệp hoạt động ở khu vực đó có liên quan đến vấn đề gì hay không…

Sau khi kiểm tra, chúng tôi cùng với Đà Nẵng, đặc biệt là đã làm việc với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Quốc phòng, Công an để có biện pháp xử lý. Quá trình rà soát, nếu doanh nghiệp đáp ứng các quy định của pháp luật thì sẽ tạo điều kiện cho họ hoạt động, và ngược lại, nếu không đủ điều kiện, có sai phạm thì cơ quan chức năng sẽ yêu cầu doanh nghiệp thay đổi, điều chỉnh hoặc phải chuyển giao lại cho Việt Nam.

Cho đến nay, theo báo cáo của Đà Nẵng, toàn bộ các dự án có yếu tố người nước ngoài đang hoạt động dưới các hình thức là các doanh nghiệp đã khắc phục các vi phạm. Một số khu vực nhạy cảm họ đã chuyển giao cho người Việt Nam.

Việc xử lý những vi phạm trên đến nay đã xong, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Đà Nẵng cũng đã có báo cáo cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Vậy theo Bộ trưởng, sắp tới nên có những biện pháp gì hiệu quả hơn để hạn chế việc người nước ngoài "núp bóng" thâu tóm đất đai tại Việt Nam?

Bộ Tài nguyên và Môi trường đang nghiên cứu để tiếp tục tham mưu hoàn thiện chính sách pháp luật đất đai. Trong vấn đề quy hoạch, cần xác định vùng có vị trí địa thế chiến lược về an ninh, quốc phòng để đưa ra cơ chế đặc biệt trong vấn đề giao đất, cho thuê đất và cấp quyền sử dụng đất. Trong đó, có sự tham gia một cách đồng bộ thống nhất với các luật khác như pháp luật về đầu tư, pháp luật về nhà ở, pháp luật về hôn nhân gia đình. Điều này tạo ra các tiêu chí điều kiện để hạn chế các quyền tiếp cận đất đai đặc biệt là đối với người nước ngoài.

Hiện nay, Luật Đất đai đang quy định khá chặt chẽ về chuyện không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người nước ngoài, nhưng Luật Nhà ở thì người nước ngoài (tất nhiên là có điều kiện) thì được mua nhà, mua căn hộ.

Luật Đầu tư sắp tới sẽ tính, những khu vực xác định khu vực trọng yếu thì vẫn phải kết hợp kinh tế với an ninh, quốc phòng.

Đất đai là nguồn lực để phát triển kinh tế, nhưng bên cạnh đó vẫn phải đảm bảo an ninh, quốc phòng. Nhưng phát triển kinh tế dựa trên mô hình phù hợp, tính toán cơ chế đặc thù, đảm bảo hoàn toàn yêu tâm bởi các dự án đầu tư, nhà đầu tư, tránh chuyện núp bóng. 

Cơ quan chức năng phải tính toán để kiểm soát việc này. Và nếu để xảy ra vi phạm thì phải xử lý thật nghiêm. Người Việt Nam mua thì phải chứng minh được dòng vốn, dòng tiền, hay sẽ hạn chế quyền mua, không được mua nhiều đất ở những nơi trọng yếu và đất này không được quyền chuyển nhượng, hoặc chuyển nhượng thì phải có điều kiện.

Những ý kiến và quan tâm của dư luận vừa qua hoàn toàn xác đáng. Bộ đang làm ở mức cao nhất để ngăn chặn những vấn đề này. Tuy nhiên, chúng ta cần phải thống nhất việc xử lý dựa trên pháp luật về đất đai, Luật Đầu tư, Nhà ở... Vì vậy, cần nhất quán vấn đề này trên quan điểm có tính nguyên tắc là vừa quản lý tốt vừa tạo điều kiện thông thoáng để thu hút đầu tư nước ngoài.

Sử dụng tốt nguồn lực đất đai sẽ góp phần phát triển kinh tế. Tuy nhiên, phải kết hợp đảm bảo an ninh, quốc phòng. Đây là nhiệm vụ chiến lược, rất quan trọng. Đảm bảo an ninh, quốc phòng phải huy động được các thành phần kinh tế, trong đó có thu hút đầu tư nước ngoài. Cơ chế chính sách cần phù hợp, hội nhập và đặc thù. Đây là nhiệm vụ chiến lược mà Bộ và các cơ quan chức năng sẽ phải tính toán. Chúng tôi không lúc nào chủ quan về vấn đề này.

Vẫn giữ nguyên câu trả lời

Vừa rồi khi thảo luận tại Quốc hội, có đại biểu nhắc lại là khi trả lời chất vấn trước Quốc hội, ông có trả lời chưa nghe có người nước mua đất ở các vị trí trọng yếu?

Tôi là một người nói dựa trên số liệu. Cho đến giờ, tôi bảo lưu ý kiến: Tôi chưa thấy một cá nhân nước ngoài nào được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cả. Bởi Luật Đất đai quy định như thế, nếu thấy có trên thực tế thì báo cho tôi, tôi sẽ xử lý người cấp ngay vì việc đó là vi phạm pháp luật nghiêm trọng.

Bộ trưởng nói là ông trả lời theo số liệu nhưng nhiều khi số liệu không phản ánh được thực tế?

Cũng không loại trừ khả năng người nước ngoài "núp bóng" thâu tóm đất đai ở một số vị trí, tuy nhiên, tôi muốn nói là pháp luật của Việt Nam không cho phép những người "núp bóng” đó được bất cứ quyền gì cả. Pháp luật không bảo hộ cho họ.

Thế còn người Việt Nam làm việc này (đứng tên mua đất cho người nước ngoài- PV) thì phải nâng cao nhận thức, thông qua việc kiểm tra tài sản, kiểm tra điều kiện của người mua bán đất đai.

Luật Đất đai mặc dù hết sức chặt chẽ, nhưng cuộc sống còn thay đổi và không có luật pháp nào dự báo nào hết, nên chúng tôi không chủ quan. Như tôi đã nói là cũng không loại trừ chuyện "núp bóng". Để khắc phục thì phải quy hoạch tốt, có cơ chế đặc thù, thống nhất đồng bộ giữa các luật. Có thể ra điều kiện như hạn chế đối tượng mua, có quy định để kiểm tra mọi đối tượng, năng lực, dòng vốn… nhưng không phải làm ngay được.

Nguyễn Lê

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.