|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Bộ trưởng Tài chính nêu 4 nhiệm vụ với thị trường chứng khoán bối cảnh lạm phát tăng cao, kinh tế thế giới phục hồi

09:53 | 04/01/2022
Chia sẻ
Tại Lễ đánh cồng phiên giao dịch chứng khoán đầu năm 2022, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giao nhiệm vụ hoàn thiện thể chế, xây dựng bộ máy, siết chặt điều kiện phát hành trái phiếu...

Sáng nay 4/1, tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, Ủy ban Chứng khoán Nhà Nước tổ chức Lễ đánh cồng khai trương phiên giao dịch chứng khoán đầu năm 2022. Buổi lễ có sự tham gia của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch UBCKNN Trần Văn Dũng, Chủ tịch HĐTV Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam Nguyễn Thành Long, Phó Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước Trần Thị Huệ cùng toàn thể các Bộ, ban, ngành.

Tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã có những đánh giá đối với thị trường chứng khoán năm 2021 và đặt ra 4 nhiệm vụ cho thị trường chứng khoán năm 2022. 

Đánh cồng phiên giao dịch đầu năm 2022, Bộ trưởng Tài chính giao nhiệm vụ tiếp tục xử lý vấn đề nghẽn lệnh HOSE, siết chặt điều kiện phát hành trái phiếu - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Tài chính phát biểu tại Lễ đánh cồng khai trương phiên giao dịch chứng khoán đầu năm 2022 (Ảnh chụp màn hình).

Bộ trưởng nêu ra một số thành tích nổi bật như VN-Index tăng mạnh 35,7% lên mốc 1.498 điểm trong năm 2021. Cùng với đó, thanh khoản trên thị trường tăng gấp 2,6 lần, đạt trung bình 26.600 tỷ đồng/phiên, đặc biệt tháng 9 luôn giao dịch trên 1 tỷ USD và có những phiên trên 2 tỷ USD. 

Bên cạnh đó, quy mô vốn hoá trên thị trường cổ phiếu đạt 7,77 triệu tỷ, tăng 46,8% và đạt 123% GDP (GDP chưa điều chỉnh). Số tài khoản mở mới đạt hơn 1,3 triệu tài khoản, bằng 4 năm trước cộng lại. Huy động vốn trên thị trường chứng khoán tăng 25% so với năm 2022, đặc biệt phát hành cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp đạt 155.558 tỷ, tăng 2,3 lần.

Tuy nhiên, trên thị trường cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp vẫn có những lỗ hổng cần phải xử lý. Bộ Tài chính đã đề xuất với chính phủ sửa lại Nghị định 153, siết lại các điều kiện về phát hành trái phiếu doanh nghiệp không có tài sản đảm bảo nhằm tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp. Trong năm qua, nhiều công ty chìm trong thua lỗ, tỷ lệ nợ xấu cao, vốn ít nhưng vẫn phát hành cổ phiếu để huy động vốn, ảnh hưởng đến thị trường và toàn nền kinh tế. 

Trong 100 ngày chiến đấu, các cơ quan đã xử lý thành công vấn đề nghẽn lệnh tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE). Room hiện tại tăng lên 3 triệu lệnh/ngày tuy nhiên đến nay đã đạt 2,5 triệu lệnh. Nếu như không tiếp tục cải tiến thì trong tương lai gần sẽ tiếp tục nghẽn lệnh. Bộ trưởng đã chỉ đạo Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam (VNX), HOSE và Chủ tịch CTCP FPT nhanh chóng khắc phục để luôn đón đầu những khó khăn. 

Năm 2022, thị trường vẫn đứng trước những nguy cơ như đại dịch, lạm phát tăng cao, nền kinh tế thế giới chưa phục hồi, Bộ trưởng đặt ra một số nhiệm vụ cần phải hoàn thành. 

Thứ nhất, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý từ luật đến các nghị định, thông tư, chiến lược phát triển của ngành chứng khoán để đạm bảo bịt các lỗ hổng và thị trường chứng khoán phát triển lành mạnh và minh bạch. 

Thứ hai, với sự ra đời của VNX, cần phải sắp xếp công tác tổ chức và bộ máy một cách linh hoạt, hiệu quả và chất lượng. Cần cơ cấu lại bộ máy lãnh đạo theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp và chuyên môn hoá cao. 

Thứ ba, xây dựng thị trái phiếu riêng lẻ chuyên nghiệp thuận lợi cho công tác kinh doanh và quản lý.

Thứ tư là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, trục lợi trên thị trường chứng khoán.

Bảo Ngọc