Bộ trưởng Tài chính: Không bao giờ lấy chênh lệch giá xăng dầu làm nguồn thu
Chia sẻ về vấn đề giá xăng tăng tại diễn đàn Đối thoại chính sách tài khóa hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội diễn ra ngày 7/4, theo VNEconomy, GS. TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng, xăng dầu là mạch máu cho hệ thống giao thông vận tải nhưng ngành giao thông vận tải chịu tác động nặng nề nhất từ đại dịch, vừa bắt đầu phục hồi thì nay lại lao đao bởi giá xăng dầu.
Ông Mại cũng nhắn nhủ Bộ Tài chính cần tính toán tới mặt lợi và hại khi giá xăng dầu tăng.
Chủ tịch VAFIE phân tích, ba tháng đầu năm, doanh thu Petrovietnam tăng tới 45%, nộp thuế tăng hơn 50% nhờ giá xăng dầu leo cao, nhưng cũng phải tính đến nếu giải quyết bài toán xăng dầu, giúp doanh nghiệp vận tải phát triển. Từ đó, họ cũng sẽ giúp tăng thu cho ngân sách nhà nước, không phải nhận trợ cấp nữa.
"Đó là bài toán khó, mong rằng Bộ Tài chính giao cơ quan có năng lực để ra phương án trình Bộ trưởng và Chính phủ điều hành giá xăng dầu trong thời gian tới", ông Mại đặt vấn đề.
Đáng chú ý, trong khi người dân, doanh nghiệp nhiều ngành kinh tế gặp khó khăn do áp lực tăng giá xăng dầu, nguồn thu ngân sách từ xăng dầu lại có vẻ khá “rủng rỉnh”. Thông tin từ Bộ Tài chính cho thấy, chỉ tính đến cuối tháng 3, thu ngân sách từ dầu thô đạt 15.725 tỷ đồng, hoàn thành hơn nửa chặng đường, tương tương đạt 55,76% dự toán cả năm.
Chủ tịch VAFIE cho rằng, khi nói đến xăng dầu không chỉ tính tới thu chi ngân sách mà cần coi đó là vấn đề phát triển, phục hồi kinh tế. Bởi chi phí xăng dầu chiếm khoảng 37% tổng chi phí nguyên vật liệu của cả nền kinh tế. Giá cước vận tải tăng cao tạo "sức ép" tăng cước vận chuyển, và tăng chi phí sản xuất nhiều mặt hàng.
Phát biểu tại diễn đàn, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh Bộ không bao giờ lấy chênh lệch giá xăng dầu làm nguồn thu mà luôn tính toán tác động đến nền kinh tế.
Tuy vậy, người đứng đầu ngành tài chính nêu quan điểm việc kiểm soát giá xăng dầu phải có giải pháp tổng thể, giảm thuế chỉ là một phần nhỏ.
Ngoài giải pháp thuế, còn phải tính toán bảo đảm tính đồng bộ quan hệ cung cầu, quỹ xăng dầu, giảm thuế, chống buôn lậu, bảo đảm nguồn cung để có tác động tích cực tới nền kinh tế. Giá xăng dầu của Việt Nam hiện vẫn thấp hơn Lào, Trung Quốc và một số quốc gia lân cận là nỗ lực lớn của cơ quan quản lý.
"Doanh nghiệp cần nhất là thị trường, vốn, lao động và cơ sở hạ tầng, cởi mở thủ tục hành chính, do đó với chức năng, quyền hạn, phạm vi công tác Bộ Tài chính sẽ cùng đồng hành với doanh nghiệp", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.
Phân tích thêm về việc điều chỉnh giá xăng dầu, ông Đặng Công Khôi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết xăng dầu là mặt hàng quan trọng, thiết yếu đối với sản xuất, tiêu dùng và an ninh năng lượng quốc gia. Do đó, việc điều chỉnh giá xăng dầu cũng có tác động đến kinh tế xã hội trong từng thời kỳ, theo Nhà Đầu tư.
Trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới liên tục tăng cao và tác động trực tiếp đến giá xăng dầu trong nước, thì việc tiếp tục có các giải pháp mạnh mẽ để hạn chế những biến động tăng đột biến đối với giá xăng dầu trong nước là cần thiết, qua đó góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Trong thời gian tới, Cục Quản lý giá cũng sẽ tiếp tục tăng cường sử dụng công cụ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu để góp phần bình ổn giá xăng dầu trong nước. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý điều hành giá để kiểm soát chặt chẽ các trường hợp lợi dụng tăng giá xăng dầu để tăng giá hàng hóa một cách bất hợp lý.
Đặc biệt, "đẩy mạnh thực hiện các giải pháp đảm bảo cung cầu, đồng thời rà soát, đánh giá hệ thống phân phối xăng dầu để có điều chỉnh cơ cấu cho phù hợp với thực tế trong nước tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường kinh doanh xăng dầu, xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng hoặc tăng giá bán bất hợp lý", Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá nhấn mạnh.
Trước đó, việc thông qua giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng từ 1/4 cũng đã trực tiếp hạ nhiệt giá xăng dầu trong nước.