Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư: Làm quy hoạch, Bộ nào cũng muốn mình quan trọng nhất
Thay mặt Chính phủ đọc tờ trình của Chính phủ, ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư nhấn mạnh, đây là tờ trình mới nhất vừa được Chính phủ thống nhất lại lần cuối, ngay trước phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vài tiếng.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà lại có ý kiến ngược lại. Báo cáo trước cơ quan thường trực của Quốc hội, ông Hà cho rằng dự luật quy hoạch không nêu rõ khái niệm về quy hoạch xây dựng, nhưng nội hàm lại đề cập, nên có mâu thuẫn, chưa rõ ràng.
"Khái niệm không nêu về quy hoạch xây dựng, nhưng trong quy hoạch vùng lại đề cập tới quy hoạch xây dựng vùng, rồi lập quy hoạch. Như vậy là chưa rõ ràng", ông Hà nói.
Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư - ông Nguyễn Chí Dũng cho rằng, trong làm dự Luật quy hoạch bộ nào cũng muốn mình là quan trọng nhất.
Chưa kể, dự luật lần này có đề cập đến việc tích hợp các loại quy hoạch chung, nhưng thực tiễn lâu nay làm quy hoạch tổng thể đã có tích hợp rồi. "Ý tưởng thì tốt nhưng chưa làm rõ cách tích hợp thế nào? Thời hạn tích hợp sẽ diễn ra trong bao lâu...?", ông Hà đánh giá và cho rằng theo kinh nghiệm thì để giải quyết chuyện tích hợp quy hoạch ngành vào vùng phải mất 7-8 năm.
Việc các thành viên Chính phủ vẫn chưa hoàn toàn thống nhất về những quy định tại dự luật quy hoạch không phải lần đầu. Tại 2 phiên họp gần nhất khi dự luật quy hoạch được đưa ra trình xin ý kiến Thường trực Quốc hội thì đều cũng nhận được những ý kiến chưa "xuôi" từ phía các Bộ.
Đáp lại quan điểm của Bộ trưởng Phạm Hồng Hà, ông Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh đây là một cuộc cải cách, thay đổi lớn, sẽ giải quyết những bất cập của đất nước từ trước đến nay như chồng chéo, cục bộ, lợi ích nhóm.
"Bộ nào cũng muốn mình quan trọng nhất và phải có trước, đi trước. Còn chúng tôi quan niệm, định hướng phát triển phải có trước, dẫn dắt tất cả, để không chồng chéo", Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư nhấn mạnh.
Trước thực tế Bộ Xây dựng muốn giữ lại quy hoạch xây dựng, ông Dũng tổng kết trong hơn 30 cuộc hội thảo được tổ chức 7 năm qua thì các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực xây dựng, đất đai đều đồng tình phải thay đổi. Do đó, ông mong muốn "Quốc hội phân minh và quyết định, chứ không thể nghe số ít đi ngược lại xu thế khách quan và lợi ích đất nước. Như thế là không chấp nhận được vì dân chủ nhưng phải có tập trung".
Dưới góc độ cơ quan thẩm tra Luật quy hoạch, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng nếu cứ thay đổi phương án và các thành viên Chính phủ không đồng thuận như vậy thì rất khó cho cơ quan thẩm tra.
Theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - ông Nguyễn Đức Kiên, nếu Chính phủ vẫn chưa thống nhất thì có 2 lựa chọn: Một là Chính phủ xin rút luật về thống nhất cao thì trình xin ý kiến; còn nếu không thì biểu quyết theo hướng thiểu số phục tùng đa số.
Trước những ý kiến trái ngược nhau, Phó chủ tịch Quốc hội - Phùng Quốc Hiển giao Uỷ ban Kinh tế nghiên cứu, phối với cơ quan của Chính phủ, Uỷ ban Pháp luật tiếp thu, giải trình. Những vấn đề còn ý kiến khác nhau sẽ đưa ra xin ý kiến tại Đại hội Đại biểu Quốc hội chuyên trách vào tháng 4 tới.