Bộ trưởng Bộ Tài chính nói gì về việc chậm trễ hoàn thuế cho doanh nghiệp?
Trả lời về vấn đề chậm trễ hoàn thuế giá trị gia tăng được một số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nêu ra tại phiên thảo luận ở hội trường về đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025; Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 – 2025 diễn ra sáng 2/11, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định cơ quan thuế đã hoàn được 92% giá trị hồ sơ.
Theo bộ trưởng, cơ quan thuế đã giải quyết được 14.857 hồ sơ với tổng giá trị hoàn thuế giá trị gia tăng 9.154 tỷ đồng hiện chỉ còn 537 hồ sơ đang giải quyết.
Để hoàn thuế, theo Bộ trưởng cần có hoá đơn thuế giá trị gia tăng và chứng từ chuyển tiền. Với các công ty xuất nhập khẩu thì cần có thêm hợp đồng và tờ khai hải quan. Qua xác minh, một số cơ quan thuế nước ngoài cho biết không tồn tại đối tác ký hợp đồng với doanh nghiệp Việt Nam có nghĩa hợp đồng bị vô hiệu dẫn đến không thể hoàn thuế.
Bộ trưởng cho biết, đây là những bài học rất đau xót, riêng vụ việc của Thủ Đức House, 18 cán bộ thuế đã bị xử lý. Hiện trong Luật thuế quy định xác minh từ nguyên liệu đầu vào đến đầu ra chứ không phải chỉ xác minh mỗi doanh nghiệp cuối cùng dẫn thủ tục phức tạp, thời gian hoàn thành lâu hơn.
Hiện theo quy định của cơ quan thuế, nếu hoàn thuế giá trị gia tăng trước và hậu kiểm trong 6 ngày còn kiểm tra trước hoàn thuế sau trong thời hạn 40 ngày Bộ trưởng cho biết.
Trước đó, Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh kiến nghị cần khơi thông những ách tắc, tồn đọng trong hoàn thuế giá trị gia tăng.
Theo đại biểu, cử tri tỉnh Quảng Ninh phản ánh vấn đề tồn đọng hoàn thuế giá trị gia tăng, khiến các doanh nghiệp và một số hiệp hội ngành hàng gửi đơn kiến nghị, kêu cứu. Ủy ban Tài chính, Ngân sách đã được giao thực hiện giám sát chuyên đề về vấn đề này.
Đại biểu cho biết, báo cáo giám sát đã nêu rõ, những ách tắc mang tính hệ thống trong khâu hoàn thuế đối với một số ngành hàng xuất khẩu xuất phát từ những văn bản hướng dẫn nghiệp vụ của Tổng cục Thuế có những điểm chưa phù hợp, thiếu cơ sở pháp lý vững chắc, thiếu tính khả thi, thiếu sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan.
Đại biểu lấy ví dụ, với nhóm mặt hàng ngành gỗ, Tổng cục Thuế hướng dẫn các cục thuế thực hiện rà soát xác minh qua các khâu mua hàng đến khâu thu mua là quá mức cần thiết, bởi theo quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng, thuế giá trị gia tăng chỉ phát sinh và phải nộp từ khâu chế biến có hóa đơn giá trị gia tăng. Việc yêu cầu xác minh ở nhiều khâu là không cần thiết, không có cơ sở, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Để giải quyết dứt điểm và hiệu quả tình trạng này, đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo khẩn trương, rà soát, cải cách, tinh gọn các thủ tục hành chính.
Bộ Tài chính cần chỉ đạo, rà soát, tháo gỡ vướng mắc từ các văn bản chuyên ngành, khẩn trương giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, thực hiện hoàn trước, kiểm sau với các doanh nghiệp xuất khẩu có uy tín, có chất lượng, chấp nhận tính pháp lý của tờ khai hải quan.
Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cần phối hợp khẳng định có phải xác định nguồn gốc sản phẩm hay không, hồ sơ thủ tục hướng dẫn như thế nào để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, đại biểu kiến nghị.
Đại biểu Trần Văn Lâm, Đoàn ĐBQH Bắc Giang cũng bày tỏ một số băn khoăn, trăn trở về thu ngân sách, nhiều chính sách thu biểu hiện sự lạc hậu, bất cập nhưng chậm được xem xét, điều chỉnh như thuế VAT.
"Mặc dù số thu lớn nhưng số hoàn cũng lớn, quy trình hành thu phức tạp, tốn kém, diễn ra ở nhiều khâu trung gian; thu rồi khấu trừ, thu lại phải hoàn; chi phí cho thu, chi phí cho hoàn và kết cục ngân sách chẳng được bao nhiêu...", đại biểu Lâm nói và kiến nghị cần xem xét giải quyết căn cơ vấn đề này vì quá trình đó có thể tăng nguy cơ, rủi ro sai phạm, gian lận, thất thu ngân sách.
Theo báo cáo của Văn Phòng Ban Nghiên Cứu Phát Triển Kinh Tế Tư Nhân (Ban IV), các doanh nghiệp có hồ sơ hoàn thuế cho biết hiện đã được giải ngân khoảng 1/3 số tiền hoàn thuế.
Nhiều doanh nghiệp phản ánh việc chưa làm hồ sơ hoàn thuế năm 2021, 2022 do cơ quan thuế cho hay chưa hoàn xong năm 2020 thì chưa tiếp nhận hồ sơ năm sau. Điều này dẫn đến số tiền doanh nghiệp chờ hoàn thuế rất lớn, cao hơn so với con số mà Tổng cục Thuế công bố.