|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Bộ trưởng Bộ Tài chính: Nguyên nhân 5 dự án đường sắt đô thị chậm tiến độ trước hết là do chủ đầu tư

12:11 | 15/08/2019
Chia sẻ
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, vấn đề chậm tiến độ và đội vốn trước hết là trách nhiệm của chủ đầu tư, còn lại các bộ ngành có trách nhiệm liên quan trong việc xem xét, phê duyệt và triển khai các dự án.

Hôm nay (15/8), trong khuôn khổ Phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra phiên chất vấn, trả lời chất vấn các Bộ trưởng, trưởng ngành về các nội dung liên quan đến thực hiện các nghị quyết, kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết năm 2018.

duong sat

Theo Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, vấn đề chậm tiến độ và đội vốn tại các dự án đường sắt đô thị trước hết là trách nhiệm của chủ đầu tư. Ảnh minh họa: Tiền Phong.

Tại phiên họp, trả lời câu hỏi của đại biểu quốc hội liên quan đến việc vốn ODA đầu tư cho 5 dự án đường sắt đô thị tại TP HCM và Hà Nội đều chậm tiến độ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, vấn đề chậm tiến độ và đội vốn trước hết là trách nhiệm của chủ đầu tư, còn lại các bộ ngành có trách nhiệm liên quan trong việc xem xét, phê duyệt và triển khai các dự án.

Còn theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng, nguyên nhân chính khiến các dự án đường sắt ở Hà Nội và TP HCM chậm tiến độ là do đây là lần đầu tiên Việt Nam làm đường sắt đô thị, năng lực của đội ngũ tư vấn và cơ quan quản lí vẫn chưa theo kịp và chưa đáp ứng được.

Do đó, trong thời gian đầu sử dụng nguồn vốn ODA chủ yếu là thu hút công nghệ và kinh nghiệm thực tế, các nhà thầu tư vấn quốc tế lập dự án và các cơ quan của Việt Nam tham gia xem xét phê duyệt. 

Tuy nhiên, Việt Nam không lường hết được tất cả từ khâu đầu đến khâu cuối của dự án vì đây là một dự án rất lớn và phức tạp nên từ khi duyệt cho đến khi triển khai thực hiện đã điều chỉnh lại và đã làm tăng vốn lên rất lớn.

Vị này lấy ví dụ, vốn đầu tư tuyến đường sắt số Bến Thành – Suối Tiên tăng từ khoảng 17.000 tỉ đồng lên 47.000 tỉ đồng, tuyến số 2 cũng tăng từ 26.000 tỉ đồng lên 47.000 tỉ đồng. Dự án của Hà Nội cũng tăng lên khoảng 40.000 – 50.000 tỉ đồng.

"Cũng không nên nói là đội vốn mà thật ra là tính chưa hết hoặc tính chưa đầy đủ. Tất nhiên, càng kéo dài thì chi phí càng phát sinh. Nguyên nhân chính là chúng ta chưa lường trước được hết được qui mô cũng như hạng mục của dự án, đo đó buộc phải điều chỉnh lại", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, nếu điều chỉnh lại vốn thì sẽ có 4 hệ lụy kéo theo. Thứ nhất là thẩm quyền phê duyệt của thẩm định, thứ hai là nguồn vốn ở đâu, thứ ba là đã được tính vào kế hoạch trung hạn chưa và thứ tư là khả năng cấp phát giữa cấp phát và vay lại của địa phương.

"Hiện nay TP HCM đang tiến hành thẩm định lại để phê duyệt điều chỉnh dự án, trên cơ sở đó đã thống nhất được với Bộ Tài chính về phương án vay và cấp phát giữa Nhà nước với địa phương. Nguồn vốn để bố trí trong kế hoạch trung hạn đã được bố trí, do đó đã đủ các điều kiện tiếp tục triển khai dự án trong thời gian tới", Bộ trưởng KH&ĐT nói.

Thu Hà