Bộ trưởng Bộ KH&ĐT giải trình nguyên nhân khiến đầu tư công chậm giải ngân
Chiều 28/10, Quốc hội tiếp tục phiên thảo luận tại hội trường về phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023.
Phát biểu tại phiên thảo luận, Đại biểu Trần Chí Cường, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP Đà Nẵng cho biết, đầu tư công được xem là đòn bẩy, là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy vậy, tỷ lệ giải ngân vẫn đạt thấp và vấn đề này đã được đề cập nhiều qua các năm. Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo rất quyết liệt nhưng vẫn chưa được cải thiện.
không ít nguyên nhân, hạn chế, vướng mắc đã được nhận diện nhưng chậm được khắc phục, trong đó có việc bắt dự án giải phóng mặt bằng, đền bù tái định cư thành dự án độc lập trong các trong thực hiện các dự án đầu tư đã được nhiều địa phương kiến nghị và cũng được nêu trong Nghị quyết 29.
Theo Đại biểu Cường, Nghị quyết của Quốc hội đã giao Chính phủ nghiên cứu xây dựng đề án thí điểm về việc tách, giải phóng mặt bằng, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội xem xét, quyết định. Chính phủ cũng đã có đến những đề xuất nhưng hiện nay chỉ mới thực hiện một số ít dự án cụ thể và một số địa phương như Khánh Hòa.
Đánh giá vướng mắc này vẫn chưa được tháo gỡ, Đại biểu Cường kiến nghị Quốc hội cho phép Chính phủ xây dựng đề án tổng thể, sớm tổ chức triển khai quy mô rộng hơn để tháo gỡ vướng mắc từ thực tiễn.
Tỷ lệ thấp hơn 1% nhưng giá trị cao hơn 40.000 tỷ đồng
Giải trình trước Quốc hội về nguyên nhân khiến đầu tư công chậm giải ngân, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết ngoài các lý do đã được nêu trong báo cáo, tuy nhiên năm 2022 có ba đặc thù riêng khiến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt như mong muốn.
Đó là, 2022 là năm đầu thực hiện phân bổ vốn đầu tư trung nên phải mất rất nhiều thời gian để thực hiện các thủ tục đối với các dự án mới. Đồng thời, giá xăng dầu nguyên vật liệu tăng cao và nguồn vốn bổ sung sang năm nay lớn hơn so với năm 2021.
Vì vây, kết quả giải ngân tuy có thấp hơn khoảng gần một điểm phần trăm so với năm 2021 nhưng về giá trị tuyệt đối thì đã thực hiện cao hơn 40.000 tỷ đồng, tức là tăng 16%.
Về giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, hiện 76,5% vốn ngân sách nhà nước là do địa phương quản lý và tổ chức thực hiện.
Vì vậy, khâu tổ chức thực hiện ở địa phương rất quan trọng đối với tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Trong cùng một thể chế, cùng một điều kiện, mặt bằng như nhau, có rất nhiều địa phương với cách làm hay, mô hình tốt đã triển khai giải ngân rất cao. Nhưng cũng có nhiều bộ, ngành và địa phương giải ngân rất thấp.
Như vậy, công tác tổ chức thực hiện chiếm phần lớn trong việc có hoàn thành tiến độ giải ngân vốn đầu tư công hay không. Vì vậy, Bộ trưởng đề nghị nâng cao vai trò của Hội đồng nhân dân và các đại biểu Quốc hội trong việc giám sát từ khâu lựa chọn dự án, chuẩn bị đầu tư đến giải phóng mặt bằng và tổ chức thi công.
Với cách giải phóng mặt bằng, Bộ trưởng đánh giá đây là vấn đề lớn và để lại nhiều hệ luỵ. Trước mắt, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị nghiên cứu sửa Luật Đất đai theo hướng cho phép thực hiện một số công việc trước như: Kiểm đếm, đo đạc, khảo sát khi đã có quy hoạch và chủ trương đầu tư dự án. Các công tác này có thể thực hiện trước khi thu hồi đất thì sẽ ngay được 6 đến 8 tháng.