Bộ trưởng Bộ Công Thương giải trình các dự án điện chậm tiến độ
Sáng nay 7/11, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tiếp tục trả lời chất vấn tại kì họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, với nhiều vấn đề nóng như dự án Nhà máy điện khí LNG Bạc Liêu được Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc nhưng 18 tháng đã qua vẫn chưa thể triển khai.
Nhà đầu tư đã hoàn thành thủ tục tròn 12 tháng theo yêu cầu của Bộ Công Thương. "Vì sao chậm trễ như vậy và bao giờ dự án này sẽ triển khai được?", đại biểu Nguyễn Huy Thái (Bạc Liêu) chất vấn.
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết dự án này từng có trong qui hoạch và dự kiến đưa vào vận hành từ năm 2029.
Tuy nhiên, sau đó đã được đưa ra khỏi qui hoạch. Sau khi tỉnh Bạc Liêu báo cáo, Bộ Công Thương đã xin ý kiến để thẩm định và báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc bổ sung nhà máy điện này và qui hoạch phát triển điện lực quốc gia để có cơ sở triển khai thực hiện.
Bộ đã hai lần báo cáo Chính phủ về bổ sung dự án vào qui hoạch điện lực. Báo cáo mới đây nhất vừa gửi Chính phủ vào cuối tháng 10.
Đại diện Bộ Công Thương cho biết Bộ cũng mong muốn sớm có quyết định triển khai dự án vì thực tế đang thiếu điện, rất cần các trung tâm điện lớn như Bạc Liêu. "Tôi chắc cũng không thể nói được thời điểm nào triển khai vì còn chờ Thủ tướng có ý kiến. Hy vọng sẽ vào đầu năm 2020, theo hiểu biết của tôi", ông nói.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chia sẻ đối với dự án điện Bạc Liêu cũng như các dự án khác, một trong những nguyên tắc đầu tiên để đảm bảo cho việc xem xét tính khả thi và hiệu quả, để bổ sung vào qui hoạch năng lượng cũng như qui hoạch tích hợp và chủ trương triển khai chính là yếu tố về giá thành điện sản xuất và tác động của nó trong tất cả khía cạnh.
Bộ trưởng thông tin, Bộ Công Thương cũng đã nhận được báo cáo của tỉnh Bạc Liêu, của chủ đầu tư, đối tác... cho thấy giá điện sơ bộ khoảng 7 US cent.
"Và chúng tôi cũng ghi nhận điều này trong báo cáo tổng thể của dự án để báo cáo lên Chính phủ. Và chắc chắn ngay cả các dự án khác của các trung tâm điện lực mới như Sơn Mỹ, Long Sơn, Cà Ná... thì đều có nguyên tắc để đánh giá, trong đó có những vấn đề rất công khai, minh bạch về giá điện và tác động của nó đến cơ cấu giá điện chung và hiệu quả đóng góp vào kinh tế xã hội, đời sống nhân dân...
"Báo cáo với Quốc hội là qui trình này sẽ được thực hiện rất nghiêm túc và công khai và chắc chắn các dự án này đều phải cạnh tranh để được vào trong qui hoạch chứ không phải có sự đánh giá hời hợt....
Chúng tôi sẽ làm nghiêm và báo cáo Thủ tướng Chính phủ", Bộ trưởng nói.
Một dự án khi được triển khai thì không chỉ có giấy phép đầu tư mà còn có các hợp đồng mua bán điện... để đảm bảo cơ cấu điện trong mặt bằng giá điện cũng như phương án để đảm bảo cân đối điện. Điều đó cho thấy có rất nhiều công cụ, ràng buộc pháp lý để đảm bảo hiệu quả của dự án, Bộ trưởng cho biết thêm.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng tranh luận rằng với dự án điện Long Phú đã thất bại và khả năng sẽ gia nhập "câu lạc bộ nghìn tỉ" thua lỗ, Nhà nước có khả năng mất hàng trăm triệu USD. Do đó, theo ông, cần tập trung vào dự án điện Cà Ná vì nếu không, không đảm bảo cho đồng bằng sông Cửu Long.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Ngọc Phương về các dự án năng lượng tái tạo chậm tiến độ, ông Trần Tuấn Anh nói, ngoài các dự án đã được phê duyệt đưa vào thực hiện với công suất lên đến gần 5.000 MW thì còn 260 dự án điện mặt trời đang chờ.
Ngoài ra còn 150 dự án điện gió đang đợi phê duyệt; 8 dự án điện khí đang được nghiên cứu để trình Chính phủ.
Chính phủ đang chỉ đạo các bộ ngành thẩm định để thực hiện trong năm 2020. Với điện gió, sau tháng 11/2021 sẽ áp dụng theo cơ chế khuyến khích các nhà đầu tư, khắc phục mặt hạn chế. Điện mặt trời cũng sẽ thực hiện tương tự và sẽ tổ chức đầu thấu cho các dự án này.
Nói về các dự án chậm tiến độ, đại biểu Trương Trọng Nghĩa nói: "Tôi cho rằng hoàn toàn đủ điều kiện để sớm bổ sung vào qui hoạch điện 7 ngay trong năm nay chứ không cần kéo dài hơn. Tôi nghĩ Thủ tướng cũng đang chờ việc này trình lên".