|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Bỏ trăm nghề, thỏa đam mê với thỏ

07:35 | 18/09/2016
Chia sẻ
Vua thỏ- đó là biệt danh do người dân xã Lương Thị, huyện Trấn Yên Yên Bái đặt cho ông Vũ Huy Quang- người đã gắn bó gần 10 năm với nghiệp nuôi thỏ.
bo tram nghe thoa dam me voi tho
Ông Vũ Huy Quang (phải) trong trạng trại thỏ hơn 1.000 con của gia đình. (Nguồn: V.P)

Trăn trở với nghề nông

Ông Vũ Huy Quang sinh năm 1953, sau khi đi bộ đội về, ông quyết định sẽ lập nghiệp bằng chăn nuôi, trồng trọt tại quê hương. Ban đầu ông chăn nuôi gà, rồi nuôi dê và trồng cam, táo, nhưng không mấy thành công. Năm 2005, ông nuôi gà thì xuất hiện đại dịch cúm gia cầm, dù đàn gà vài nghìn con của gia đình không bị dịch nhưng cũng không bán được. Ông Quang tâm sự: “Dù rất có duyên với chăn nuôi, trồng trọt, nhưng tôi vẫn rất khó khăn ở khâu bán ở đâu, bán cho ai”. Trăn trở với nghề nông, ông quyết tâm tìm một hướng đi khác.

Nếu nông dân các địa phương ý định chăn nuôi thỏ, tôi sẵn sàng chia sẻ tất cả kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng của mình với mục đích cùng phát triển ngành chăn nuôi thỏ...”.

Ông Vũ Huy Quang

Năm 2008, tình cờ tham dự một chương trình hội thảo về chăn nuôi thỏ do Nhật Bản tổ chức tại Hà Nội, nhận ra được tiềm năng của loài vật nuôi mới, ông bắt tay vào việc nuôi thỏ. Sau khi chặt bỏ vườn táo và bán đàn dê lỗ gần 15 triệu đồng, ông Quang đầu tư nuôi thử nghiệm 50 con thỏ nái.

Điều kiện tự nhiên của Việt Nam rất phù hợp với loài thỏ. Nuôi thỏ lại ít tốn kém do thức ăn chủ yếu là các loại phế phẩm nông nghiệp như thân cây ngô, lá cây, rau, củ, cỏ voi… Nhưng vật nuôi này rất mẫn cảm với môi trường do sức đề kháng kém nên yêu cầu kỹ thuật cao trong chăn nuôi và thiết kế chuồng trại. Người nuôi thỏ phải tâm huyết và cẩn thận.

Ông Quang kể, thời điểm đó, thịt thỏ chưa được nhiều người ưa chuộng. Ông Quang phải mang từng con thỏ đã được chính tay ông chế biến tới các nhà hàng để chào mời miễn phí. Thay đổi dần dần định kiến về thịt thỏ, nhiều người đã thích các món ăn chế biến từ thỏ. “Giá thịt thỏ vào thời điểm đó chỉ 15.000 đồng/kg. Qua tiếp thị, tôi đã có thể bán tới 25.000 đồng/kg. Trong vùng có lễ chạp, tôi đều mang thịt thỏ tự chế biến tới tặng không cho quan khách thưởng thức. Do đó, từ loại không mấy ai ăn, nay thịt thỏ đã trở thành 1 đặc sản. Về sau, tôi cung cấp thịt thỏ không xuể do sản lượng có hạn, nhu cầu thì lớn mở rộng thêm thì chưa có mặt bằng và vốn...” - ông Quang phấn khởi nói.

Kiến tạo chuỗi trại nuôi thỏ

Nhận thấy 1 mình khó phát triển nghề nuôi thỏ, ông Quang gặp gỡ những người có mong muốn học tập mô hình chăn nuôi thỏ của mình. Từ đó, trên địa bàn tỉnh có thêm nhiều trại nuôi thỏ. Hiện, cả tỉnh Yên Bái đã có tới 100 trại, các tỉnh lân cận có 50 trại ký hợp đồng nuôi thỏ vệ tinh với ông Quang. Ông cung ứng con giống, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm cho bà con.

Niềm vui lớn đã đến với ông Quang và những hộ chăn nuôi thỏ khi nhà máy công nghiệp sinh học Konishi sản xuất vaccine chiết xuất từ thỏ khởi công năm 2013 đi vào hoạt động năm 2014 tại Bắc Ninh. Nhà máy tiêu thụ 5.000 con thỏ trắng New Zealand/ngày.

Ông Quang cho hay, giá thỏ thịt hiện nay là 185.000 đồng/kg móc hàm; 90.000 đồng/kg hơi; thỏ đạt từ 2,3kg trở lên bán cho nhà máy sản xuất vaccine Konishi có giá 178.000 đồng/kg. Tháng 9.2015, ông Quang thành lập doanh nghiệp Quang Thanh - Lương Thịnh và đã ký hợp đồng với Công ty Nippon Zoki Việt Nam để cung cấp thỏ thương phẩm. Hiện nay, chỉ tính riêng trang trại của ông Quang đang có 400 thỏ nái và tổng đàn là hơn 1.000 con. Bình quân, mỗi năm 1 thỏ nái đẻ 6-7 lứa, mỗi lứa 5 - 7 con. Bình quân, 1 trang trại nuôi thỏ vệ tinh cho ông Quang có mức lãi ròng hơn 120 triệu đồng/năm.

Theo Việt Phương

Dân việt