|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Bỏ tiền tỉ mua nhà, 7 năm vẫn ăn Tết nhà trọ

07:48 | 23/01/2019
Chia sẻ
Cần có các chế tài xử phạt nặng như rút giấy phép chủ đầu tư dự án chây ỳ, chậm bàn giao nhà cho khách hàng.

Đóng tới 95% tiền giá trị căn hộ nhưng hàng trăm khách hàng vẫn phải mỏi mòn đợi chờ để được vào ở ngôi nhà của mình. Trong khi đó chủ đầu tư (CĐT) vẫn chỉ hẹn và hẹn, dự án trễ tiến độ nhiều năm liền chưa có hướng ra.

Dài cổ chờ nhận nhà

Chờ đợi suốt bảy năm ròng rã, hàng trăm người mua dự án chung cư Đại Thành trên đường Trịnh Đình Trọng (phường Phú Trung, quận Tân Phú, TP HCM) vô cùng bức xúc vì chưa được nhận nhà.

Anh Mạnh, đại diện người mua, cho hay họ ký hợp đồng mua nhà từ năm 2010 và hầu như đã thanh toán 70%-95% giá trị căn hộ. Hợp đồng mua bán nêu rõ giao nhà năm 2012 nhưng tới nay CĐT vẫn trì hoãn vì nhiều lý do. Lần họp với cư dân gần nhất vào tháng 3-2018, ông Ngô Triều Vân, Giám đốc Công ty Đại Thành - CĐT dự án, cam kết cuối năm 2018 giao nhà nhưng vẫn không thực hiện.

“Bảy cái Tết qua, hàng trăm cư dân chúng tôi phải ở nhà trọ trong khi đã đóng cho CĐT hàng tỉ đồng. Bây giờ nhà không có, mỗi tháng phải trả lãi ngân hàng và cả tiền nhà trọ, thật sự quá bức xúc” - anh Mạnh nói.

Cùng cảnh ngộ là gần 100 cư dân mua nhà dự án Tân Bình Tower trên đường Hoàng Bật Đạt (phường 15, quận Tân Bình do Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Tân Bình làm CĐT). Sau khoảng hai năm trễ hạn giao nhà, tin vui là đầu năm 2019 CĐT bắt đầu tự tháo dỡ các hạng mục xây dựng trái phép để sẵn sàng bàn giao nhà. Thế nhưng tin buồn là thời gian hoàn tất việc tháo dỡ này kéo dài đến tận tháng 11-2019. Nghĩa là cư dân tiếp tục đợi thêm ít nhất một năm nữa.

Anh Hùng, một người mua nhà dự án, buồn bã chia sẻ: “Khi mua căn hộ này năm 2015, vợ tôi nhận tin dữ bị bệnh ung thư, tôi chỉ mong sớm có nhà cho vợ có nơi nghỉ ngơi, an lòng những ngày cuối đời. Họ hẹn năm 2016 giao nhà nhưng đợi năm này qua năm nọ vẫn chưa có. Giờ vợ tôi đã qua đời, tôi và các con vẫn đang ở nhà trọ”.

Chúng tôi đã nhiều lần liên hệ với CĐT của hai dự án trên nhưng đều không nhận được phản hồi.

bo tien ti mua nha 7 nam van an tet nha tro
Dự án Tân Bình Tower đến nay vẫn còn ngổn ngang. Ảnh: Quang Huy

Phải tăng chế tài xử phạt chủ đầu tư chây ỳ

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài thương mại luật gia Việt Nam, cho biết hiện nay luật đã quy định rõ việc CĐT chậm tiến độ so với thời gian cấp thẩm quyền phê duyệt trong giấy phép xây dựng sẽ bị xử phạt theo quy định. Cùng với đó, CĐT chậm tiến độ giao nhà so với hợp đồng mua bán sẽ phải chịu lãi phạt trên số tiền khách hàng đã đóng.

“CĐT phải có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại cho khách hàng do dự án chậm bàn giao. Thậm chí khi nhận nhà, khách hàng phát hiện CĐT không tuân thủ cam kết ban đầu có thể từ chối nhận nhà đến khi CĐT thực hiện đúng hợp đồng. Trường hợp không thương lượng được, cư dân nên khởi kiện ra tòa để đòi quyền lợi chính đáng” - luật sư Hậu tư vấn.

Tuy nhiên, luật sư Hậu nhận định các chế tài hiện nay dành cho CĐT là quá nhẹ so với số tiền họ “chiếm dụng vốn” của hàng trăm người mua trong thời gian dài.

Nghị định 139/2017 quy định việc triển khai xây dựng dự án kinh doanh bất động sản, dự án đầu tư xây dựng nhà ở chậm tiến độ sẽ bị xử phạt 250-300 triệu đồng. Ông Hậu cho rằng phải nâng mức phạt này lên tương ứng với 30%-50% giá trị đầu tư dự án mới đủ sức răn đe. Đồng thời phải rút giấy phép hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, không cấp phép đầu tư những dự án mới đối với những CĐT này.

Nhiều khách hàng cũng đồng tình cần có quy định để xử lý các dự án kéo dài quá lâu; CĐT không còn năng lực để thực hiện dự án, thiếu trách nhiệm, chây ỳ trong quá trình thực hiện dự án. TP cần thu hồi đất, hủy bỏ quyết định, văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư, công nhận CĐT để chuyển giao cho các nhà đầu tư khác có năng lực thực hiện dự án. Việc chậm trễ quá lâu thời hạn bàn giao nhà so với hợp đồng đẩy người mua vào tình thế khó khăn, vừa thiệt hại nặng nề về kinh tế, vừa không thể ổn định cuộc sống.

Tranh chấp tại chung cư gia tăng

TP HCM có khoảng 1.000 chung cư và hơn 100 chung cư có phát sinh tranh chấp. Các tranh chấp chủ yếu xoay quanh việc bàn giao, quản lý, sử dụng quỹ bảo trì, quản lý chung cư; sở hữu chung, sở hữu riêng; chất lượng công trình; quản lý, khai thác, kinh doanh bãi giữ xe; an toàn PCCC...

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA), cho biết để tranh chấp chung cư không trở thành điểm nóng trong năm 2019, HoREA đề xuất phải nhanh chóng hoàn thiện quy chế quản lý chung cư theo quy định của Bộ Xây dựng.

Xem thêm

Quang Huy