Bộ Tài chính lý giải cơ chế hình thành tài sản 'khủng' của Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa
Thông tin trên được lãnh đạo Bộ Tài chính chia sẻ tại cuộc họp báo về dự thảo Nghị định chuyển doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) thành công ty cổ phần chiều 16/3.
|
Trước câu hỏi của báo chí về việc liệu có lỗ hổng nào không trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước dẫn tới hiện tượng gia đình Thứ trưởng Bộ Công Thương - bà Hồ Thị Kim Thoa nắm tài sản tài sả khủng tại Công ty Cổ phần Điện Quang, đại diện Bộ Tài chính - ông Nguyễn Duy Long, Trưởng ban soạn thảo Nghị định mới cho biết, theo quy định về cơ chế cổ phần hóa được thực hiện thí điểm từ năm 1992, lãnh đạo doanh nghiệp được mua cổ phần của doanh nghiệp theo hai nội dung.
Một là mua cổ phần ưu đãi theo số năm công tác trong khu vực Nhà nước như đối với tất cả cán bộ nhân viên khác. Đây là chính sách mà mỗi năm làm việc trong khu vực Nhà nước, người lao động được mua 100 cổ phần ưu đãi giá bán bằng 60% trên cơ sở giá bán thấp nhất của giá đấu thành công.
Như vậy bản thân lãnh đạo doanh nghiệp cũng được ưu đãi như toàn bộ cán bộ công nhân viên trong doanh nghiệp cổ phần hoá với chính sách mua ưu đãi bình đẳng như nhau.
Hai là đối với người lao động là chuyên gia trong doanh nghiệp có trình độ, khả năng cống hiến lớn thì Nghị định 59 và dự thảo lần này tiếp tục duy trì nội dung ngoài ưu đãi theo số năm công tác như trên còn tiếp tục được mua ưu đãi thêm nhưng không phải giảm giá như trên mà mua theo giá đấu thành công. Đối tượng này sẽ được ưu đãi thêm quyền được mua thêm cổ phần.
Ông Đặng Quyết Tiến, Cục phó Cục Tài chính Doanh nghiệp, Bộ Tài chính cũng khẳng định việc cổ phần hóa không có lỗ hổng. Đối với việc mua cổ phần của gia đình Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa vào thời điểm cơ chế đang khuyến khích Đảng viên, cán bộ Nhà nước đi đầu trong quá trình cổ phần hóa. Sau này, quy định có nhiều thay đổi theo đúng trình tư từng bước.
Ông Tiến cho rằng các kết luận quá trình hình thành tài sản của bà Thoa cần đợi cơ quan điều tra làm rõ.