Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu xuất khẩu đạt kỷ lục mới 65 tỷ USD trong năm 2025
Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản đạt mức cao kỷ lục 62,5 tỷ USD, tăng 18,7% so với năm 2023; xuất siêu tiếp tục đạt mức kỷ lục mới 17,9 tỷ USD, tăng 46,8%. Trong đó, có 7 nhóm mặt hàng hàng xuất khẩu trên 3 tỷ USD. Nhiều mặt hàng ghi nhận kim ngạch xuất khẩu đạt kỷ lục như cà phê (5,48 tỷ USD, gạo (5,75 tỷ USD), rau quả (7,12 tỷ USD).
Kết quả trên đạt được trong bối cảnh ngành nông nghiệp năm 2024 đối mặt với nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan như nắng nóng gay gắt, hạn hán, mưa bão tại các địa phương vùng Tây Nguyên, miền Trung, xâm nhập mặn tại các tỉnh, thành phố phía Nam. Đặc biệt là cơn bão số 3 (Yagi) đã gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất nông nghiệp các tỉnh phía Bắc. Bão số 3 (Yagi) gây thiệt hại cho sản xuất nông, lâm, thuỷ sản khoảng 31.800 tỷ đồng và làm giảm khoảng 0,3 - 0,5 điểm % tăng trưởng của toàn Ngành trong năm 2024.
Trong năm 2025, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đặt mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản đạt 64-65 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 3,3 - 3,4%.
Phát biểu tại Hội nghị Tổng kết ngành nông nghiệp chiều ngày 27/12, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam đánh giá năm 2023, rau quả tăng trưởng xuất khẩu 67%. Năm 2024, tiếp đà tăng trưởng 27%. Đây là sự tích lũy thành quả của các năm trước, theo Báo Nông nghiệp Việt Nam. Các loại cây ăn quả đa số đều cần thời gian đầu tư dài, từ 3-5 năm. Số lượng rau quả xuất khẩu chính ngạch ngày càng tăng. Ví dụ, Trung Quốc hiện cấp phép 15 mặt hàng rau quả, góp phần những sản phẩm như sầu riêng, chuối, dừa… tăng trưởng tích cực.
Trong năm 2025, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả cho rằng, chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, xung đột địa chính trị toàn cầu… là những thách thức lớn. Để xuất khẩu bền vững hơn, ông Bình cho rằng cần quan tâm đến công nghệ sau thu hoạch, nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực tuân thủ của doanh nghiệp.
Tại hội nghị, đại diện hiệp hội kiến nghị Bộ NN&PTNT tiếp tục đàm phán mở cửa thị trường, hỗ trợ xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia về các mặt hàng chủ lực. Cùng với đó, có những thiết chế luật pháp chặt chẽ hơn, giúp bảo vệ những nhà sản xuất chân chính.
Đối với ngành thuỷ sản, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2024 vượt mốc 10 tỷ USD. Con số này tăng 13% so với năm 2023 và thấp hơn 1 tỷ USD so với mức kỷ lục thiết lập năm 2022.
Tuy nhiên, tình hình chung vẫn còn nhiều khó khăn với thủy sản. Đầu tiên là việc trong 5-6 năm qua, kết quả xuất khẩu thủy sản chỉ “loanh quanh 8-10 tỷ USD”. Chỉ số tăng trưởng lúc 2%, lúc 6%. Ngoại trừ năm 2022, thủy sản Việt Nam xuất khẩu được 11 tỷ USD, tăng 23%.
Theo Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam, ngành này cần xuất khẩu được 16 tỷ USD. Đại diện VASEP đề xuất lập chợ đấu giá để ngư dân bán được hàng với giá tốt nhất, Nhà nước truy xuất được dữ liệu. Thứ hai, là soát xét, sử đổi phù hợp các quy định liên quan đến vùng khai thác (bờ, lộng, khơi). Thứ ba, là soát xét, sửa đổi phù hợp các quy định liên quan đến kích thước khai thác tối thiểu của một số loài - đặc biệt là cá ngừ vằn, ngừ vây vàng và các loài di cư.