Doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng bị giả mạo mã số vùng trồng
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), thời gian qua, nhu cầu sầu riêng tăng cao đã tạo điều kiện cho các hành vi gian lận như giả mạo mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, con dấu và chữ ký, gây hậu quả nghiêm trọng.
Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Vinafuit - cho biết hiệp hội nhận được nhiều đơn tố cáo từ doanh nghiệp về các vi phạm này. Gần đây, Công ty TNHH Vina T&T bị làm giả mã số cơ sở đóng gói (mã VN-BTPH-036) để xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc.
Theo đó, một nhóm người đã giả mạo chữ ký và con dấu của ông Võ Hữu Trường, người đứng đầu chi nhánh Vina T&T Bến Tre, để ký hợp đồng ủy quyền xuất khẩu với Công ty TNHH Eruka Marketing, vào ngày 10/12/2024. Văn bản giả mạo còn được sử dụng để ủy quyền trái pháp luật cho nhiều doanh nghiệp khác, dẫn đến nhiều lô hàng mang mã số giả được thông quan.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Vina T&T, khẳng định công ty chưa từng sở hữu con dấu hoặc ủy quyền sử dụng mã số này. Ông lo ngại khi các lô hàng gian lận vẫn được thông quan, sẽ ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp
Nhiều doanh nghiệp miền Nam cũng rơi vào tình trạng tương tự. Một số mã số vùng trồng bị giả mạo, dẫn đến việc hải quan Trung Quốc thu hồi mã số sau khi phát hiện lô hàng nhiễm Cadmi. Điều đáng nói là các lô hàng này không thuộc doanh nghiệp sở hữu mã số, khiến nhiều đơn vị bất ngờ và chịu tổn thất.
Trước tình trạng này, Vinafuit kêu gọi cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các vi phạm. Hiệp hội cũng đề xuất xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói để minh bạch hóa thông tin, giúp truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Việc công khai danh sách đơn vị đạt chuẩn và các trường hợp vi phạm sẽ hỗ trợ người tiêu dùng và ngăn chặn gian lận. Ngoài ra, Việt Nam cần tăng cường hợp tác quốc tế với các nước nhập khẩu để kiểm soát và xử lý triệt để các hành vi vi phạm.
Năm 2024, Việt Nam xuất khẩu sầu riêng đạt 3,2 tỷ USD, tăng 40% so với cùng kỳ. Năm 2025, dự kiến xuất khẩu tiếp tục bứt phá khi Trung Quốc mở cửa cho các sản phẩm chế biến từ sầu riêng như cơm và sầu riêng xay nhuyễn, tạo giá trị gia tăng cao hơn so với sản phẩm tươi.
Hiện cả nước có 154.000 ha trồng sầu riêng, sản lượng gần 1,2 triệu tấn mỗi năm, tăng trung bình 15%.