|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Bộ KH&ĐT 'phản pháo' TP.HCM về đề xuất 'xin' thêm hàng ngàn tỷ đồng

10:16 | 24/06/2017
Chia sẻ
“Ai phê duyệt cái này thì Bộ Tư pháp sẽ phối hợp với các bộ để xem xét. Giờ các dự án không thể dừng lại, đang làm dở dang rồi dừng lại rất là gay…”
bo khdt phan phao tphcm ve de xuat xin them hang ngan ty dong

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đang trao đổi với Phó chủ tịch UBND TP Lê Thanh Liêm về số liệu trong báo cáo.

Cả dự án tại TP.HCM và Hà Nội đều đội vốn rất lớn

Trong buổi làm việc với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng 15 bộ ngành vào ngày 23/6, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm đã đưa ra những kiến nghị mà ông cho rằng “sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho thành phố phát huy vai trò đầu tàu, phát triển nhanh, bền vững, đóng góp ngày càng nhiều cho đất nước”.

Theo lãnh đạo TP, hiện nhu cầu vốn ODA từ nguồn ngân sách Trung ương cấp phát giai đoạn 2016 – 2020 là 29.512 tỷ đồng (gồm dự án Xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1, metro số 1 – tuyến Bến Thành - Suối Tiên: 20.930 tỷ đồng, và dự án Cải thiện môi trường nước thành phố, lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ, giai đoạn 2: 8.582 tỷ đồng).

Tuy nhiên Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH&ĐT) chỉ bố trí được 11.517 tỷ đồng cho 2 dự án, do đó TP đề nghị bổ sung thêm 17.995 tỷ đồng.

Sau đó, giải thích lý do của việc này, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đào Quang Thu cho rằng đây đều là những kiến nghị “rất quan trọng và rất lớn, nếu giải quyết được sẽ tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của TP trong ngắn và dài hạn”.

Ông cũng cho biết Bộ KH&ĐT chia sẻ và sẽ phối hợp với TP để giải quyết từng vấn đề.

Tuy nhiên với kiến nghị nói trên, ông Thu cho rằng về trung hạn, trong khoảng 300.000 tỷ của Trung ương đã bố trí cho TP 15.000 tỷ, và số tiền này “là đã hết theo khuôn khổ pháp lý phê duyệt của các dự án TP”.

Đề cập trực tiếp đến tuyến metro số 1, ông Thu nhấn mạnh rằng trước kia Thủ tướng phê duyệt tổng vốn đầu tư chỉ có 19.000 tỷ, nhưng hiện nay TP đề nghị tăng lên 47.000 tỷ.

“Số tăng này chưa được một cơ quan có thẩm quyền nào quyết định cả” – ông Thu nói và còn cho biết thêm rằng “các dự án khác cũng tương tự như thế”.

“Ai phê duyệt cái này thì Bộ Tư pháp sẽ phối hợp với các bộ để xem xét. Giờ các dự án không thể dừng lại, đang làm dở dang rồi dừng lại rất là gay. Thế nhưng theo Nghị quyết 49 của Quốc hội thì tất cả các dự án đang làm hoặc chưa làm nhưng cứ 35.000 tỷ là dự án quan trong quốc gia, do đó phải báo cáo Quốc hội. Mà giờ dự án là 47.000 tỷ rồi. Phải báo cáo Quốc hội cho chủ trương chứ còn không thì chắc là chịu, không dám làm” – ông Thu tiếp tục.

Lãnh đạo Bộ KH&ĐT cũng nhận định rằng: “Các dự án của Hà Nội cũng thế, toàn lúc lập dự án thì chỉ có 1 nhưng đến khi 1, 2 năm sau thực hiện tăng gấp 2, 3 lần tổng mức. Rất là gay go, nó làm các kế hoạch vốn bị phá vỡ hoàn toàn”.

bo khdt phan phao tphcm ve de xuat xin them hang ngan ty dong

Thứ trưởng Bộ KH và ĐT Đào Quang Thu.

Các luật lại “đá” nhau

Với kiến nghị chấp thuận việc giải ngân vốn ODA đối với các dự án được thực hiện theo hiệp định đã ký kết và tiến độ của dự án, ông Thu cho rằng “Bộ hoàn toàn đồng tình”.

Tuy nhiên theo ông trong vấn đề này các bộ luật đang mâu thuẫn, bởi Luật Đầu tư công đã cho phép các dự án sử dụng vốn ODA được giải ngân theo tiến độ, nhưng theo Hiến pháp và Luật Ngân sách nhà nước lại có quy định tất cả khoản thu chi trong kế hoạch hàng năm phải có dự toán.

Đề giải quyết việc này ông Thu đề xuất rằng: “Trước mắt chúng tôi đề nghị thực hiện theo Hiến pháp. Còn cần thiết thì đề nghị ứng”.

Với kiến nghị được Tiếp nhận khoản vay 200 triệu EUR của Ngân hàng Tái thiết Đức cho dự án tuyến đường sắt đô thị số 2, Bộ KH&ĐT tiếp tục cho rằng cần đề nghị Thủ tướng giao Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp cùng phối hợp với TP.HCM xử lý như với dự án metro số 1.

Lý do là dự án đã “bị đẩy” từ 1,4 lên 2,1 tỷ USD, tương đương với 45.000 tỷ nên phải trình Quốc hội phê duyệt.

“Chúng tôi không phải phê bình TP đâu, nhưng cấp cao thì các đồng chí rất quyết liệt còn cấp làm việc và cấp chuyên viên thì phối hợp chưa tốt. Chúng tôi nghĩ rằng sắp tới phải điều chỉnh cái này. Cần thiết thì phải thành lập các tổ đặc biệt để xử lý” – ông Đào Quang Thu nói.

Nguyễn Cường

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.