|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Bộ KH-ĐT lý giải 4 nguyên nhân nhiều nhà thầu Trung Quốc trúng thầu tại Việt Nam

17:10 | 23/05/2017
Chia sẻ
Sử dụng vốn vay của Trung Quốc, chất lượng lập, phê duyệt dự án còn thấp, phê duyệt tổng mức đầu tư thấp... là những nguyên nhân khiến nhiều nhà thầu Trung Quốc trúng thầu tại Việt Nam.

Muốn hạn chế nhà thầu Trung Quốc cần tự chủ được nguồn lực tài chính, thu hút vốn đầu tư tư nhân, nước ngoài, tăng cường các dự án đối tác công - tư

Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ vừa có bản tập hợp trả lời kiến nghị của cử tri tại kỳ họp Quốc hội thứ 2 gửi đến kỳ họp QH thứ 3 khai mạc ngày 22/5. Một trong những nội dung đáng chú ý đó là kiến nghị của các cử tri và câu trả lời của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về các dự án liên quan đến nhà thầu và vốn vay của Trung Quốc.

Cụ thể, cử tri thành phố Hà Nội và tỉnh Quảng Trị cùng kiến nghị về việc kiểm tra việc các nhà thầu Trung Quốc liên tục được nhận các công trình quan trọng của Việt Nam mặc dù chất lượng không đảm bảo; đồng thời đề nghị rà soát và đánh giá chất lượng, hiệu quả những dự án do Trung Quốc trúng thầu ở nước ta, kể cả nguồn vốn vay từ Trung Quốc để tránh bị phụ thuộc vào kinh tế Trung Quốc.

bo kh dt ly giai nguyen nhan nhieu nha thau trung quoc trung thau tai viet nam
Đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông - một trong những dự án nhà thầu Trung Quốc trúng thầu - đang có nguy cơ chậm tiến độ do chậm vốn.

Trả lời kiến nghị này, tại Công văn số 2577/BKHĐT-TH ngày 29/3/2017, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong thời gian qua có nhiều nhà thầu Trung Quốc trúng thầu các dự án quan trọng của Việt Nam, trong quá trình thực hiện đã xuất hiện một số tình trạng như: thi công chậm tiến độ; chất lượng của hàng hóa, công trình sau khi hoàn thành không cao, xuống cấp nhanh sau khi hết hạn bảo hành...

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chỉ ra các nguyên nhân chủ yếu dẫn đến nhà thầu Trung Quốc trúng thầu.

Thứ nhất đó là sử dụng vốn vay của Trung Quốc. Để vay vốn Trung Quốc thì Việt Nam phải chấp nhận nhà thầu Trung Quốc thực hiện gói thầu như một điều kiện vay. Đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc nhà thầu Trung Quốc trúng thầu nhiều ở Việt Nam.

Thứ hai là chất lượng lập, phê duyệt dự án còn thấp, chưa xác định được một cách tương đối chính xác về công nghệ, khối lượng cũng như tổng mức đầu tư của dự án dẫn đến phát sinh khối lượng khi thực hiện.

Nguyên nhân thứ 3 đó là phê duyệt tổng mức đầu tư thấp dẫn đến các nhà thầu chào công nghệ tiên tiến, xuất xứ từ các quốc gia phát triển đều không trúng thầu do vượt tổng mức đầu tư.

Cuối cùng là do chất lượng công tác lập hồ sơ mời thầu của các chủ đầu tư còn yếu, chưa đưa ra được rào cản kỹ thuật để loại nhà thầu Trung Quốc.

Để khắc phục tình trạng này, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trước tiên cần tự chủ được nguồn lực tài chính, thu hút vốn đầu tư tư nhân, nước ngoài; tăng cường các dự án PPP; nâng cao chất lượng lập, phê duyệt dự án, đấu thầu lựa chọn nhà thầu thực hiện dự án.

Khánh Hà