Bộ GTVT muốn nâng tuổi máy bay lên 25 năm: Có an toàn và phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế?
‘Làm khó’ phi công nghỉ việc: Bộ GTVT có trái luật? |
Bộ Giao thông Vận tải đề xuất nâng tuổi máy bay dân dụng từ 20 năm lên 25 năm. |
Bộ GTVT đề xuất nâng độ tuổi tàu bay vận chuyển hành khách từ 20 năm lên 25 năm, máy bay chở hàng từ 25 năm lên 30 năm. Đề xuất này liệu có khả thi, có an toàn và phù hợp với thông lệ quốc tế?
Trong dự thảo sửa đổi Nghị định 92/2016/NĐ-CP và Nghị định 30/2013/NĐ-CP liên quan đến lĩnh vực kinh doanh hàng không dân dụng, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đề xuất nâng độ tuổi tàu bay vận chuyển hành khách từ 20 năm lên 25 năm, máy bay chở hàng từ 25 năm lên 30 năm.
Chiều 23/9, trao đổi với PV báo Lao Động về đề xuất trên của Bộ, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, Khoa kỹ thuật Hàng không (Đại học Bách khoa TP.HCM) cho rằng, trước kia, khi trình độ kỹ thuật sản xuất và bảo dưỡng máy bay chưa phát triển cao, tuổi đời máy bay cũng ngắn, không đáp ứng được yêu cầu an toàn bay.
Ngày nay kỹ thuật sản xuất ngày càng hiện đại, vật liệu mới tốt hơn, kỹ thuật khai thác và bảo dưỡng cũng tốt hơn nên tuổi thọ máy bay gia tăng là điều dễ hiểu.
"Vì vậy, Bộ GTVT đề xuất tăng tuổi hoạt động của máy bay lên là phù hợp với xu thế chung trên thế giới. Tuy nhiên, Bộ GTVT nên đưa ra căn cứ vào đâu để đề xuất việc gia tăng này, có tham khảo khuyến cáo của ICAO và các quy định tương tự của các nước khác không?”- ông Tống nói.
Ông Lê Trọng Sành, nguyên Trưởng phòng Quản lý bay, sân bay Tân Sơn Nhất thì cho rằng, tuổi của máy bay chỉ là con số thời gian tổng quát, còn vấn đề an toàn bay thì cần phải xác định rõ ràng theo quy định về sửa chữa và bảo dưỡng.
Thông thường, tuổi thọ của máy bay được dựa trên quá trình hoạt động mà nó liên quan số giờ bay và tần suất cất cánh – hạ cánh. Điều kiện bảo đảm an toàn bay của máy bay được xem xét đối với từng bộ phận quan trọng như động cơ, thân, cánh, càng đáp… thông qua quy trình bảo dưỡng sửa chữa được giám sát và kiểm định chặt chẽ.
Không phải bộ phận nào của máy bay cũng có độ tuổi như nhau mà có một số bộ phận được sửa chữa, thay thế trong quá trình sử dụng. Đó chính là cách kéo dài tuổi thọ của máy bay đang được áp dụng trên thế giới, việc nâng tuổi máy bay cũng căn cứ vào các tiêu chuẩn kỹ thuật này.
Trong khi đó, GS TSKH Nguyễn Đức Cương, Chủ tịch Hội hàng không - vũ trụ thì lại nghĩ khác. Ông Cương cho rằng, việc quy định tuổi thọ của máy bay phải do nhà sản xuất quy định, chứ không phải do các cơ quan quản lý hay các hãng hàng không.
Theo ông Cương, thông thường số năm sử dụng sẽ do nhà sản xuất quy định, bởi họ là đơn vị thiết kế. "Trước khi xuất xưởng, các hãng sản xuất đã thử nghiệm toàn bộ, xem máy bay đấy chịu được hoạt động bao nhiêu năm, bao nhiêu giờ bay và đưa ra tuổi thọ trung bình" - ông Cương nói.
Theo tiêu chuẩn hàng không của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế ICAO, máy bay đã hết hạn của nhà sản xuất, không đủ tiêu chuẩn an toàn bay, thì không được phép bay.
Nếu máy bay đã hết niên hạn sử dụng, các hãng vẫn cho hoạt động, khi xảy ra tai nạn thì các hãng bảo hiểm sẽ từ chối bồi thường.
Xem thêm |