Bộ GTVT đề nghị xã hội hoá đầu tư các sân bay Thọ Xuân, Chu Lai, Nà Sản, Vinh, Liên Khương
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có công văn gửi UBND các tỉnh: Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Nam, Lâm Đồng để định hướng hoàn thiện Đề án xã hội hóa đầu tư, khai thác các cảng hàng không tại địa phương.
Đối với Cảng hàng không Thọ Xuân, Chu Lai, Bộ GTVT cho biết, Quy hoạch các cảng hàng không được cấp có thẩm quyền phê duyệt đã bố trí thêm đường cất hạ cánh thứ hai bên cạnh đường cất hạ cánh hiện hữu do Bộ Quốc phòng quản lý để bảo đảm hạn chế ảnh hưởng tới hoạt động bay của quân sự.
Như vậy, quy hoạch khu hàng không dân dụng và đường cất hạ cánh, đường lăn mới cơ bản tách biệt về đất đai và hoạt động với các công trình do Bộ Quốc phòng quản lý.
Vì vậy, các địa phương có thể tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện Đề án theo hướng huy động nguồn vốn xã hội đầu tư theo phương thức PPP hoặc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) thành lập doanh nghiệp cổ phần cảng hàng không mới đóng vai trò là nhà khai thác cảng hàng không, trong đó ACV nắm cổ phần chi phối.
Đối với các công trình đường cất hạ cánh, đường lăn hiện hữu do Bộ Quốc phòng quản lý, nếu cần nâng cấp, cải tạo để bảo đảm hoạt động khai thác thì ưu tiên sử dụng nguồn vốn nhà nước đầu tư cải tạo, nâng cấp. Trường hợp nguồn vốn nhà nước không bảo đảm thì nghiên cứu, đầu tư kết hợp với khu hàng không dân dụng theo phương thức PPP, trong đó đầu tư đường cất hạ cánh, đường lăn theo loại hợp đồng BTO.
Đối với Cảng hàng không Nà Sản, Vinh, Liên Khương, Bộ GTVT đề nghị các địa phương nghiên cứu hoàn thiện Đề án theo hướng huy động nguồn vốn xã hội đầu tư, khai thác toàn bộ các công trình của cảng hàng không theo phương thức PPP hoặc ACV thành lập doanh nghiệp cổ phần cảng hàng không mới đóng vai trò là nhà khai thác cảng hàng không, trong đó ACV nắm cổ phần chi phối.
Bộ GTVT nhấn mạnh, hiện Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bộ GTVT đang tổ chức lập quy hoạch các cảng hàng không thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để bảo đảm phù hợp với Quy hoạch tổng thể và làm cơ sở nghiên cứu, thực hiện đầu tư phát triển các cảng hàng không.
“Trong thời gian tới, đề nghị UBND các tỉnh tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT trong công tác lập, phê duyệt quy hoạch cảng hàng không tại địa phương cũng như hoàn thiện Đề án xã hội hóa đầu tư, khai thác cảng hàng không để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định”, Bộ GTVT đề xuất.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch hệ thống cảng hàng không toàn quốc thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, dự kiến đến năm 2030 Việt Nam có 30 cảng hàng không gồm: 14 cảng hàng không quốc tế: Vân Đồn, Cát Bi, Nội Bài, Thọ Xuân, Vinh, Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Cam Ranh, Liên Khương, Long Thành, Tân Sơn Nhất, Cần Thơ và Phú Quốc;
Và 16 cảng hàng không quốc nội: Lai Châu, Điện Biên, Sa Pa, Nà Sản, Đồng Hới, Quảng Trị, Phù Cát, Tuy Hòa, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Phan Thiết, Rạch Giá, Cà Mau, Côn Đảo, Thành Sơn và Biên Hòa.
Trong đó, sân bay Thành Sơn và sân bay Biên Hòa được quy hoạch thành cảng hàng không để khai thác lưỡng dụng.
Đến năm 2050, hình thành 33 cảng hàng không, bao gồm: 14 cảng hàng không quốc tế: Vân Đồn, Hải Phòng, Nội Bài, Thọ Xuân, Vinh, Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Cam Ranh, Liên Khương, Long Thành, Tân Sơn Nhất, Cần Thơ và Phú Quốc;
Và 19 cảng hàng không quốc nội: Lai Châu, Điện Biên, Sa Pa, Cao Bằng, Nà Sản, Cát Bi, Đồng Hới, Quảng Trị, Phù Cát, Tuy Hòa, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Phan Thiết, Rạch Giá, Cà Mau, Côn Đảo, Biên Hoà, Thành Sơn và Cảng hàng không thứ hai phía Đông Nam, Nam Thủ đô Hà Nội.