|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Bộ Giao thông vận tải: Dự kiến ký kết với nhà đầu tư chiến lược của ACV trong tháng 3/2017

07:48 | 10/01/2017
Chia sẻ
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đánh giá năm vừa qua công tác tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn tại các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) thuộc Bộ tiếp tục được triển khai hiệu quả; nhất là đối với các Tổng công ty lớn và các đơn vị sự nghiệp công. 

Cụ thể, theo báo cáo công tác năm 2016, Bộ GTVT đang triển khai thực hiện cổ phần hóa đối với 4 công ty mẹ - Tổng công ty gồm: TCT Đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), TCT Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (Cửu Long), TCT Hàng hải Việt Nam, TCT Công nghiệp tàu thủy.

Cùng với đó là 8 công ty con thuộc Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy và phối hợp với các bộ, ngành, báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong quá trình cổ phần hóa; đã hoàn thành cổ phần hóa Công ty TNHH MTV Vận hành Bảo trì đường cao tốc thuộc VEC.

Đối với 2 doanh nghiệp quy mô lớn là Tổng công ty Hàng không Việt Nam (VNA) và Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Bộ GTVT đã tập trung chỉ đạo việc đàm phán với nhà đầu tư chiến lược là các tập đoàn quốc tế, có năng lực, kinh nghiệm, cam kết hỗ trợ toàn diện cho doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của doanh nghiệp sau cổ phần hóa.

Đến nay, Bộ đã hoàn thành đàm phán, ký kết hợp đồng cổ đông chiến lược của VNA với hãng All Nippon Airways, Nhật Bản; đang tích cực đàm phán với Tập đoàn Aeróports de Paris, nhà đầu tư chiến lược của ACV, dự kiến ký kết các hợp đồng, hoàn tất giao dịch trong tháng 3/2017.

Bên cạnh đó, thực hiện quy định pháp luật và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về giao dịch, niêm yết chứng khoán, nhằm nâng cao tính công khai, minh bạch và tạo kênh huy động vốn, Bộ GTVT đã chỉ đạo các doanh nghiệp hoàn thành cổ phần hóa lập kế hoạch và thực hiện giao dịch cổ phiếu trên sàn giao dịch. Đến nay, đã có 37 công ty cổ phần thực hiện giao dịch, niêm yết cổ phiếu với tổng giá trị chứng khoán theo mệnh giá là trên 35.000 tỷ đồng.

Bộ đã hoàn thành việc chuyển giao quyền đại diện sở hữu nhà nước tại Tổng công ty Thăng Long - CTCP và 8 Công ty cổ phần Quản lý bảo trì đường thủy nội địa với tổng giá trị vốn Nhà nước trên 140 tỷ đồng về SCIC.

Đối với 3 Tổng công ty: Cienco 5, Cienco 8, Xây dựng đường thủy và Công ty Tracimexco, Bộ đang phối hợp với SCIC thẩm định hồ sơ chuyển giao.

Tính chung cả năm 2016, Bộ GTVT đã hoàn thành thoái vốn tại 22 công ty cổ phần, giá trị thu về đạt 2.301,7 tỷ đồng; toàn bộ số tiền thu được sau khi trừ chi phí đã được nộp về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp theo quy định; các công ty mẹ - Tổng công ty thuộc Bộ đã thoái vốn tại 17 doanh nghiệp, thu về 262 tỷ đồng, bằng 214,7% giá trị mệnh giá.

bo giao thong van tai du kien ky ket voi nha dau tu chien luoc cua acv trong thang 32017

Theo kế hoạch năm 2017, Bộ GTVT sẽ tiếp tục thực hiện đề án tái cơ cấu doanh nghiệp đã được phê duyệt, trên cơ sở thực tiễn, tiến hành rà soát, điều chỉnh cho phù hợp, nhằm mục tiêu phát huy vai trò chủ đạo của DNNN.

Đẩy mạnh xã hội hóa các lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ, tạo sự hấp dẫn để thu hút được các nguồn lực từ xã hội, phát triển các lĩnh vực trọng yếu, phục vụ phát triển nền kinh tế. Trong đó, tăng cường thoái vốn tại các DNNN không cần giữ chi phối hoặc không cần nắm giữ cổ phần.

Xây dựng, quyết định hoặc trình cấp có thẩm quyền quyết định và tổ chức triển khai thực hiện đề án tái cơ cấu các DNNN, doanh nghiệp có vốn Nhà nước thuộc Bộ giai đoạn 2016-2020 sau khi Đề án “Tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước giai đoạn 2016-2020” được Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Tăng cường giám sát, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp. Tổng hợp các nội dung báo cáo Thủ tướng Chính phủ về chủ trương triển khai, thực hiện cổ phần hóa 17 đơn vị chuyển tiếp từ năm 2016.

Các công tác khác là phê duyệt phương án và tổ chức thực hiện thoái vốn nhà nước tại 7 công ty cổ phần đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận. Tiếp tục chỉ đạo các Tổng công ty: Đường sắt Việt Nam, Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc, miền Nam; Hàng hải Việt Nam, Hàng không Việt Nam, Cửu Long, VEC thoái vốn nhà nước ở các lĩnh vực không thuộc diện Nhà nước phải nắm giữ.

Đẩy mạnh công tác giám sát hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước. Nâng cao vai trò người đại diện phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp có vốn Nhà nước.

Duy Khánh