Bộ Giao thông chấp thuận đề án thí điểm của Uber
Chiều 10/4, Thứ trưởng Giao thông Nguyễn Hồng Trường cho biết, Uber Việt Nam đã bổ sung, hoàn thiện đầy đủ các điều kiện trong dự án thí điểm theo yêu cầu 2 tháng trước đó của Bộ. Tuy nhiên, Uber Việt Nam còn cần được sự chấp thuận của các địa phương khi đăng ký hoạt động.
Lý giải việc từ chối đề án thí điểm lần gần đây nhất vào tháng 2, lãnh đạo Bộ Giao thông cho biết, việc Công ty Uber BV (công ty mẹ tại Hà Lan) uỷ quyền cho Uber Việt Nam tham gia đề án thí điểm và thực hiện các nghĩa vụ trong Quyết định số 24 là chưa phù hợp.
Ứng dụng Uber có tính năng hoạt động tương tự “ứng dụng sàn giao dịch thương mại điện tử” nên cần được thực hiện các thủ tục đăng ký với Bộ Công thương. Bộ Giao thông yêu cầu Uber Việt Nam khi chưa hoàn thiện các nội dung của Đề án để đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam thì không cung cấp, phối hợp với các chủ phương tiện, đơn vị vận tải để thực hiện kinh doanh vận tải trái với quy định hiện hành.
Ứng dụng gọi xe điện tử đang được nhiều khách hàng ưu chuộng. Ảnh minh họa: Xuân Hoa |
Uber đã nhiều trình đề án cho phép thí điểm Ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng vận tải hành khách tại thị trường Việt Nam. Năm
2015, Bộ Giao thông Vận tải từng trả lại đề án của Uber với lý do công ty này không thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam.
Trước nhu cầu sử dụng ứng dụng gọi xe điện tử, Bộ Giao thông đã cho phép một số doanh nghiệp lập đề án thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng trong 3 năm. Đề án của Grab đã được Bộ thông qua vào dịp đầu năm nay.