|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Bộ Công Thương ủng hộ việc giảm 50% lệ phí trước bạ

21:13 | 18/05/2023
Chia sẻ
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp sản xuất ô tô đứng trước ranh giới sống - còn, việc giảm 50% lệ phí trước bạ là điều cần thiết để thúc đẩy doanh số bán hàng.

 Tại họp báo thường kỳ ngày 18/5, liên quan đến câu hỏi quan về đề xuất giảm lệ phí trước bạ,  ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó cục trưởng Cục Công nghiệp cho biết Bộ Công Thương ủng hộ đề xuất này. 

Ông Thành dẫn số liệu của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho biết lượng xe bán ra thị trường trong 4 tháng đầu năm đã suy giảm mạnh so với cùng kỳ. Các doanh nghiệp phải đối mặt với tình trạng tồn kho tăng cao,  nguyên nhân là do người mua khó tiếp cận với nguồn vốn ngân hàng, lạm phát và lãi suất cao. 

Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, 4 tháng đầu năm, sản xuất ô tô giảm 19,3% so với cùng kỳ năm trước. 

Vì thế, thời gian qua Bộ Công Thương đã phối hợp với các doanh nghiệp sản xuất ô tô, các hiệp hội như VAMA, VAMI, các tỉnh có nhà máy sản xuất ô tô để báo cáo với Chính phủ xem xét đề nghị giảm lệ phí trước bạ với ô tô và gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng.

Hiện Chính phủ đã giao Bộ Tài chính xem xét kiến nghị của Bộ Công Thương. Trước đó, năm 2020-2021, việc giảm lệ phí trước bạ 50% cũng đã được thực hiện. Ngoài nỗ lực của doanh nghiệp trong việc giảm giá bán, nhưng cũng cần có chính sách để thúc đẩy. Bộ ông Thương rất ủng hộ giảm lệ phí trước bạ 50%. 

“Bộ Công Thương cũng đã đề xuất giảm lệ phí trước bạ trong năm 2023 để Chính phủ xem xét. Chúng tôi cũng đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính về vấn đề này bởi thời gian qua, thị trường ô tô cũng đã sụt giảm mạnh”, ông Thành nói. 

Bình luận về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết giai đoạn 2020 - 2021 khi Chính phủ đồng ý giảm lệ phí trước bạ nhiều người tỏ ra lo ngại thu ngân sách sụt giảm. 

 Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải (ngồi giữa) ủng hộ quan điểm giảm 50% lệ phí trước bạ (Ảnh: H.Mĩ)

Tuy nhiên, thực tế lại trước ngược hoàn toàn, thu ngân sách tăng lên nhờ doanh số bán ô tô được cải thiện. 

Ông Hải nói thêm trong bối cảnh hiện tại, các doanh nghiệp sản xuất ô tô đang gặp rất nhiều ô tô, nhiều doanh nghiệp đứng trước ranh giới “sống còn”. Nếu không có sự “tiếp sức” từ chính sách của các cấp chính quyền thì nhiều doanh nghiệp chưa chắc giữ được hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình.

Chính vì vậy, Bộ Công Thương ủng hộ quan điểm giảm lệ phí trước bạ để hỗ trợ doanh nghiệp.

Theo báo cáo từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), trong tháng 4, doanh số bán hàng của toàn thị trường đạt 22.409 xe, giảm 25% so với tháng 3/2023 và giảm tới 47% so với tháng 4/2022.

Cụ thể, doanh số bán hàng bao gồm xe 15.748 du lịch; 6.487 xe thương mại và 174 xe chuyên dụng. So với  trước, doanh số xe du lịch giảm 27%; xe thương mại giảm 19% và xe chuyên dụng giảm 51.

Về xuất xứ, doanh số bán của xe lắp ráp trong nước đạt 13.325 xe, giảm 18% so với tháng trước và doanh số xe nhập khẩu  nguyên chiếc là 9.084 xe, giảm 34% so với tháng trước.

Báo cáo VAMA cũng cho hay, luỹ kế đến hết tháng 4, tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường đạt 92.801 xe, giảm 30% so với 2022. Trong đó, xe ô tô du lịch đạt 68.460 xe, giảm 35%; xe thương mại đạt 23.411 xe, giảm 9% và xe chuyên dụng đạt 930 xe, giảm 58% so với năm 2022.

Tính đến hết tháng 4/2023, doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước giảm 39% trong khi xe nhập khẩu giảm 16% so với cùng kì năm ngoái.

H.Mĩ