|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Bộ Công Thương lý giải lý do xe máy khan hàng, tăng giá mạnh

20:26 | 22/06/2022
Chia sẻ
Theo Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương, hiện nguyên nhân phần lớn dẫn đến tình trạng khan hàng, tăng giá các loại xe nói chung và xe máy nói riêng là do thiếu nguồn chip và chi phí đầu tư sản xuất tăng.

Dây chuyền sản xuất xe máy tay ga của Honda Việt Nam. Ảnh: Văn Xuyên/BNEWS/TTXVN

Thời gian qua, thị trường xe máy lên cơn "sốt" khi giá xe tăng chóng mặt. Mặc dù giá tăng mạnh, nhưng nhiều đại lý cũng không có hàng để bán.

Trong khi đó, người tiêu dùng muốn mua xe phải đặt hàng sớm và chịu mức giá bán chênh lệch lớn. Đặc biệt với các dòng xe tay ga của Honda như Vision, Air Blade hay SH luôn trong tình trạng chênh vài chục triệu đồng so với giá đề xuất của hãng…

 

Vision - mẫu xe tay ga bán chạy nhất của Honda Việt Nam hàng tháng. Ảnh: BNEWS/TTXVN phát

Đại diện Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, nguyên nhân bởi thiếu nguồn cung chip và chi phí đầu tư sản xuất tăng. Hiện nay, Việt Nam chưa sản xuất được chip xử lý, mà chủ yếu nhập từ các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản; trong đó phần lớn nhập từ Trung Quốc.

Trung Quốc thực hiện chính sách "Zero COVID", nên nhiều nhà máy phải sản xuất cầm chừng, thậm chí đóng cửa, điều này đã ảnh hưởng lớn đến nguồn cung chip của cả ngành công nghiệp ô tô, điện tử, xe máy toàn cầu…

Theo vị này, hiện hãng Intel đang làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để mở nhà máy lắp ráp chip ở Việt Nam nhưng chỉ phục vụ trong ngành máy vi tính. Còn về sản xuất chip để phục vụ trong ngành ô tô và xe máy thì chưa, bởi có những đặc thù nhất định.

Do đó, tình trạng khan hiếm xe máy do thiếu chip vẫn sẽ phụ thuộc vào diễn biến sản xuất của Trung Quốc. Giải pháp nhanh nhất là Trung Quốc thay đổi chính sách "Zero COVID". Tuy nhiên, việc này vẫn phải đợi sau Đại hội Đảng của Trung Quốc.

Thông tin từ Cục Công nghiệp cho hay, ngành công nghiệp xe máy tại Việt Nam hiện có đến 80-90% là doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

“Với thị trường và sức mua lớn, nên các hãng xe máy như Honda, Yamaha đều tự lắp ráp và kéo theo hệ thống các nhà cung ứng của họ từ nước ngoài sang Việt Nam", đại diện Cục Công nghiệp cho biết thêm, cũng có nhiều doanh nghiệp Việt Nam cung cấp phụ tùng xe máy, nhưng chủ yếu là những mảng đơn giản, còn những bộ phận phức tạp như động cơ thì chưa làm được…

Hiện nay, trong chính sách các ngành công nghiệp hỗ trợ được ưu tiên phát triển theo Nghị định 111/2015/NĐ-CP, ngày 03 tháng 11 năm 2015, về phát triển công nghiệp hỗ trợ gồm 6 nhóm ngành là: Dệt may, da giầy, điện tử, cơ khí, ô tô, công nghệ cao. Như vậy, không có riêng chính sách cho ngành xe máy.

Đại diện Cục Công nghiệp cho hay, Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu, đề xuất, ban hành chính sách chung cho ngành cơ khí chế tạo; trong đó có những phần liên quan đến ngành xe máy… Việc hỗ trợ trực tiếp cho ngành xe máy, hiện đang được thực hiện dưới góc độ đào tạo.

"Bộ Công Thương đang phối hợp với một số doanh nghiệp lớn như Samsung, Honda, Toyota để tổ chức đào tạo, cải tiến về sản xuất, quy trình quản lý, quản lý chất lượng về quy trình sản xuất… Nếu có doanh nghiệp nào có thể cải thiện được năng lực sản xuất, chuỗi giá trị sản phẩm, thì sẽ xem xét, hướng dẫn sản xuất sản phẩm cho ngành ô tô. Tuy nhiên, quá trình còn lâu dài, vì yêu cầu ngành ô tô cao hơn xe máy nhiều", đại diện Cục Công nghiệp nhấn mạnh.

Dây chuyền sản xuất ô tô của Hyundai Thành Công. Ảnh: Đức Phương - TTXVN

Hiện nay không chỉ xe máy, mà nhiều hãng sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước như Thaco, Hyundai Thành Công... dù xe đã hoàn thành xong công đoạn lắp ráp thiết bị, nhưng chỉ thiếu chip mà các hãng không thể giao xe cho khách…

Đức Dũng