Bộ Công Thương đề xuất EU cho Việt Nam gia hạn đăng kí mã số REX đến hết ngày 31/12
Đầu năm 2019, Việt Nam chính thức áp dụng cơ chế nhà xuất khẩu đăng ký tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa (REX) trong chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) và thời gian đăng ký mã số REX đến hết ngày 30/6/2020.
Kể từ đầu năm 2019, Bộ Công Thương thường xuyên theo dõi tiến độ và đôn đốc VCCI thực hiện việc đăng ký mã số REX cho doanh nghiệp Việt Nam.
Số liệu báo cáo của VCCI mới đây cho thấy, trong những tháng gần đây, VCCI đã đẩy mạnh triển khai hướng dẫn và đăng ký mã số REX cho doanh nghiệp.
Mặc dù vậy, tính đến hết ngày 30/6/2020, mới chỉ có 2.464 mã số REX đã được đăng ký và đang hoạt động (chiếm tỉ lệ 82,35% trong tổng số hồ sơ đăng ký mã số REX trực tuyến là 2.992 hồ sơ).
Đồng thời, trong thời gian qua, Bộ Công Thương nhận được phản ánh của một số doanh nghiệp và Hiệp hội ngành hàng về việc nộp hồ sơ đăng ký mã số REX nhưng cho đến nay vẫn chưa được cấp mã số REX.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, EC đã ban hành Quy định thực thi số 2020/750 ngày 5/6/2020 về việc gia hạn thời gian đăng ký mã số REX cho đến hết ngày 31/12/2020 và gửi thông báo Quy định này đến các nước được thụ hưởng, trong đó có Việt Nam.
Nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu sang các thị trường EU, Thụy Sỹ, Na Uy, trên cơ sở thông báo của EC, căn cứ tình hình thực tế đăng ký mã số REX và nguyện vọng của doanh nghiệp, Bộ Công Thương đã có thư gửi EC về việc Việt Nam đề nghị gia hạn đăng ký mã số REX đến hết ngày 31/12/2020.
Để đảm bảo tiến độ triển khai cơ chế REX, không ảnh hưởng đến cơ hội hưởng các ưu đãi thuế quan theo GSP, Bộ Công Thương đề nghị các doanh nghiệp chủ động nắm thông tin, kịp thời liên hệ với VCCI để được hướng dẫn và đăng ký mã số REX để đáp ứng quy định theo GSP.
Bộ Công Thương cũng đã có văn bản gửi VCCI đề nghị thông báo tới doanh nghiệp về việc EC đã chấp thuận cho Việt Nam gia hạn đăng ký mã số REX đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2020.
Đồng thời, đề nghị VCCI tiếp tục khẩn trương giải quyết, xử lí hồ sơ đề nghị đăng ký mã số REX cho doanh nghiệp Việt Nam, tránh làm gián đoạn cơ hội hưởng ưu đãi thuế quan theo GSP của các doanh nghiệp