|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Công an thu thập tài liệu liên quan đến Coteccons phục vụ công tác điều tra

09:49 | 20/06/2020
Chia sẻ
Trước đó, xung đột nội bộ tại Coteccons đã đi đến đỉnh điểm sau khi phía ủng hộ Kusto liên tục tố cáo ban lãnh đạo Coteccons về hoạt động quản trị công ty.

Cơ quan chức năng thuộc Bộ Công an đã gửi thông báo đến một số công ty liên quan cho biết đang thực hiện điều tra, giải quyết vụ việc có dấu hiệu sai phạm pháp luật tại Công ty Cổ phần Xây dựng Coteccons (Mã: CTD)

Để phục vụ công tác điều tra, giải quyết vụ việc, cơ quan chức năng đề nghị một số công ty - trong đó có các công ty mà phía cổ đông nước ngoài Kusto gọi là "Coteccons Group" bao gồm Ricons, Newtecons - cung cấp thông tin.

Các hồ sơ, tài liệu liên quan mà cơ quan chức năng đề nghị cung cấp bao gồm các hồ sơ pháp lí, danh sách cổ đông, ban lãnh đạo và các hợp đồng kinh tế, hợp đồng giao thầu liên quan đến Coteccons.

Các công ty liên quan như Ricons, Newtecons được yêu cầu hợp tác cung cấp các hồ sơ, tài liệu liên quan trước ngày 26/6/2020, thời điểm Coteccons tổ chức Đại hội Đồng cổ đông thường niên năm 2020.

Hiện xung đột nội bộ tại Coteccons (Mã: CTD) đã đi đến đỉnh điểm sau khi phía ủng hộ Kusto liên tục tố cáo ban lãnh đạo Coteccons. Sau The8th Pte Ltd, một công ty có trụ sở tại Singapore nắm giữ 10,42% cổ phần có quyền biểu quyết, PXP Vietnam - một quĩ đầu tư sắp đóng và đang tìm đối tác để bán toàn bộ danh mục cũng lên tiếng sẽ đứng về phía Kusto trong cuộc chiến nội bộ tại Coteccons.

Không những vậy, hai trong ba thành viên Ban Kiểm soát của Coteccons là ông Luis Fernando Garcia Agraz và ông Đặng Hoài Nam cũng đã ngã về phía Kusto trong cuộc chiến nội bộ này. 

Theo tố cáo của nhóm cổ đông nước ngoài, các vi phạm liên tục trong vấn đề quản trị doanh nghiệp của lãnh đạo Coteccons đã gây ra tổn thất đáng kể cho Coteccons và các cổ đông của công ty khi doanh thu và lợi nhuận tiềm năng bị chuyển vào các công ty khác ("Coteccons Group") do một số lãnh đạo Coteccons sở hữu và kiểm soát.

Bộ Công an vào cuộc điều tra các công ty liên quan đến Coteccons  - Ảnh 2.

Nguồn: Tổng hợp

Trong khi đó, phía Ban lãnh đạo Coteccons cũng phản pháo cho rằng, chính nhờ những nỗ lực và minh bạch của Ban điều hành đã mang lại lợi ích to lớn cho tất cả cổ đông công ty. Thành lập từ năm 2004 với vốn điều lệ ban đầu là 15,2 tỉ đồng, chỉ sau 15 năm hình thành và phát triển, Công ty đã có sự phát triển mạnh mẽ khi 10 năm liên tiếp đứng đầu khối doanh nghiệp tư nhân ngành xây dựng (theo VNR 500), tốc độ tăng trưởng doanh thu & lợi nhuận bình quân hàng năm luôn trên 40%, vốn điều lệ Công ty hiện nay đạt mức 792,55 tỉ đồng đồng (gấp 52 lần so với thời điểm ban đầu).

"Coteccons còn là một trong số ít doanh nghiệp không vay nợ và có lượng tiền thặng dư gửi ngân hàng (duy trì khoảng 3.000 - 4.000 tỉ đồng). Liệu đây có phải là thỏi nam châm hút những cổ đông có ý đồ không lành mạnh?

Chúng tôi cho rằng những phát ngôn như "kết quả hoạt động của Coteccons thấp hơn rất nhiều so với tiềm năng thực sự; Vấn đề lớn nhất hiện đang làm xói mòn Coteccons là vấn đề về quản trị doanh nghiệp…" là những nhận định chung chung, thiếu khách quan, không có căn cứ, mang tính chất thù địch và bôi nhọ danh dự của Ban điều hành", phía lãnh đạo Coteccons nêu.


Hoàng Trung

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.