|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Bluechips gây áp lực, VN-Index kết tuần tại mốc 1.280 điểm

15:37 | 12/07/2024
Chia sẻ
Nhóm vốn hóa lớn vận động kém sắc với 16 mã giảm/9 mã tăng. Trong đó, lực cản chủ yếu đến từ VCB, HPG, MSN, BID và CTG.

Đóng cửa, VN-Index giảm 3,05 điểm (0,24%) về 1.280,75 điểm, HNX-Index giảm 0,37 điểm (0,15%) còn 245,02 điểm, UPCoM-Index giảm 0,17 điểm (0,18%) xuống 98,14 điểm.

VN-Index mở cửa phiên sáng nay tăng gần 1 điểm. Với sự hỗ trợ của trụ VIC, chỉ số chính sàn HOSE có thời điểm tăng hơn 5 điểm, tiến lên chinh phục ngưỡng 1.288. Tuy nhiên, áp lực bán sau đó giá tăng cùng với dòng tiền mất hút khiến VN-Index dừng phiên sáng đỏ nhẹ dưới ngưỡng tham chiếu.

Bước sang phiên chiều, VN-Index dao động giằng co quanh ngưỡng tham chiếu. Áp lực điều chỉnh có thời điểm đẩy VN-Index về sát mốc 1.277 điểm nhưng lực cầu giúp chỉ số không đóng cửa ở mốc thấp nhất phiên, chỉ giảm hơn 3 điểm. Như vậy, VN-Index có phiên điều chỉnh thứ 3 liên tiếp với tổng số điểm giảm là hơn 12 điểm. VN-Index kết tuần tại mốc 1.280 điểm.

Toàn thị trường ghi nhận 364 mã tăng, 556 mã giảm và 116 mã đứng giá tham chiếu. Mặc dù không nhiều mã giảm trên 2%, độ rộng sàn HOSE nghiêng hẳn về bên bán với 298 mã đỏ, trong khi chỉ có 140 mã xanh và 76 mã giữ giá không đổi.

VN30-Index kết phiên mất hơn 4 điểm. Nhóm vốn hóa lớn vận động kém sắc với 16 mã giảm/9 mã tăng. Trong đó, lực cản chủ yếu đến từ VCB, HPG, MSN, BID và CTG. Ở phía đối diện, nỗ lực gồng đỡ được ghi nhận ở GVR, VIC, FPT, VJC, …

Top10 cổ phiếu ảnh hưởng tích cực/tiêu cực lên VN-Index phiên 12/7. (Nguồn: VNDirect).

Cổ phiếu ngân hàng tiếp tục là tác nhân chính gây áp lực lên thị trường trong phiên hôm nay. Do ảnh hưởng của vốn hóa, riêng nhóm này đã lấy đi gần 2 điểm của VN-Index mặc dù mức giảm phổ biến của các mã trong ngành là dưới 1%.

Theo quan sát, BVB giảm mạnh nhất ngành với tỷ lệ 1,6% xuống 12.400 đồng/cp, theo sau là EIB (-1%), KLB (-0,8%), OCB (-0,7%), VCB (-0,6%), CTG (-0,6%), ACB (-0,6%), HDB (-0,6%),… Ở phía đối diện, chỉ có 3 cổ phiếu bank đóng cửa trong sắc xanh là VBB (+1,9%), MSB (+0,7%), TPB (+0,3%),…

Nỗ lực hồi phục được chứng kiến ở nhóm phân bón, hóa chất với DCM tăng 1,5%, DDV và LAS lần lượt xanh 1,4% và 1,1%, LIX (+0,7%), DPM (+0,3%),…

Một số cổ phiếu thủy sản cũng đảo chiều tăng về cuối phiên như AGF tăng 7,4% lên 2.900 đồng/cp, ABT (+4,2%), VHC (+2,2%), ANV (+2%),… FMC, MPC, IDI, CMX đứng giá tham chiếu.

Dòng tiền quay lại diễn biến thận trọng trong phiên cuối tuần. Tổng khối lượng giao dịch trên toàn thị trường ghi nhận hơn 718 triệu đồng, tương đương hơn 17.100 tỷ đồng. Tính riêng trên HOSE, giá trị giao dịch ghi nhận 15.253 tỷ đồng, giảm 12% so với phiên trước và thấp hơn 5% so với thanh khoản trung bình 1 tuần gần đây.

Giao dịch khối ngoại nhuốm màu ảm đảm khi họ trở lại bán ròng hơn 780 tỷ đồng trên HOSE, sau khiên mua ròng nhẹ hôm qua. Tâm điểm rút ròng vẫn là các bluechips như VHM (304 tỷ đồng), MWG (124 tỷ đồng), …

Tại thị trường quốc tế, Các nhà đầu tư đã chuyển từ nhóm cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn sang những cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ. Trong khi S&P 500 và Nasdaq Composite cùng tụt sâu, Russell 2000 lại ghi nhận đà tăng mạnh mẽ.

Cụ thể, trong phiên giao dịch ngày 11/7, chỉ số S&P 500 đã giảm 0,88%, rút khỏi mức kỷ lục ghi nhận vào phiên trước và đóng cửa với 5.585 điểm.

Tương tự, chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite mất 1,95% xuống còn 18.283 điểm do ảnh hưởng từ mức giảm hơn 5% của gã khổng lồ bán dẫn Nvidia. Ở chiều ngược lại, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 32 điểm, tương đương 0,08% và kết phiên ở mức 39.754 điểm.

Chỉ số vốn hóa nhỏ Russell 2000 vọt tăng khoảng 3,6% khi các nhà đầu tư hy vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ hạ lãi suất vào tháng 9 và nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể hạ cánh mềm sau dữ liệu lạm phát tháng 6. 

Thu Thảo