|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Bloomberg: Tổng thống Trump coi Huawei như con tốt trên bàn cờ chính trị

05:52 | 03/07/2019
Chia sẻ
Việc Tổng thống Trump nới lỏng lệnh cấm đối với tập đoàn viễn thông Huawei của Trung Quốc có thể làm dịu bớt căng thẳng thương mại nhưng sẽ không giúp gì cho cuộc chiến công nghệ đang diễn ra gay cấn.

Bloomberg đưa tin, bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 cuối tháng 6 vừa qua tại Nhật Bản, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố sẽ nới lỏng lệnh cấm và bắt đầu cho phép doanh nghiệp Mỹ bán hàng hóa, linh kiện cho tập đoàn Huawei của Trung Quốc.

Động thái này có thể giúp giảm bớt căng thẳng với Trung Quốc, thậm chí chấm dứt cuộc chiến thương mại kéo dài hơn một năm nay, thế nhưng đây cũng là một trong những quyết định tệ hại nhất của ông Trump.

Lâu nay ông Trump nói riêng và Mỹ nói chung vẫn khẳng định Huawei không phải là một con tốt chính trị, nhưng tuyên bố nới lỏng lệnh cấm vừa rồi đã làm suy yếu lập trường này; quyết định đó cũng không thể ngăn được cuộc chiến tranh lạnh đang diễn ra trong lĩnh vực công nghệ.

Thậm chí, nhiều người đang hiểu rằng tuyên bố của ông Trump bên lề thượng đỉnh G-20 cho thấy ông đã sẵn sàng chấm dứt cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, kể cả khi các mối đe dọa tới an ninh quốc gia của Mỹ vẫn hiện diện.

Cụ thể, trong một cuộc họp báo tại Nhật Bản, ông Trump nói: "Các doanh nghiệp Mỹ có thể bán thiết bị cho Huawei. Tôi đang nói về những thiết bị không gây ra vấn đề khẩn cấp quốc gia nghiêm trọng".

Ông còn nói: "Chuyện về Huawei là một vấn đề rất phức tạp. Chúng tôi đã đồng ý sẽ để vấn đề Huawei này lại cho tới cuối cuộc đàm phán. Chúng ta sẽ xem thỏa thuận thương mại sẽ đi đến đâu".

Sau đó Giám đốc hội đồng kinh tế quốc gia Larry Kudlow nói rõ thêm rằng Huawei sẽ vẫn ở trong cái gọi là Danh sách Thực thể của Bộ Thương mại Mỹ và vẫn bị hạn chế giao dịch với doanh nghiệp Mỹ, tuy nhiên các giấy phép tạm thời nhiều khả năng sẽ được cấp.

trump

Tổng thống Mỹ Donald Trump và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: AP/Bloomberg.

Lệnh cấm Huawei mua sản phẩm công nghệ Mỹ mà chính quyền Tổng thống Trump ban hành hồi giữa tháng 5 đã kích hoạt kế hoạch mà Trung Quốc ấp ủ từ lâu nhằm phát triển ngành công nghệ không phụ thuộc vào Mỹ.

Trung Quốc hiện vẫn cần những con chip của Mỹ, và dù nguồn cung tới đây chỉ được nối lại một cách rất hạn chế, Trung Quốc có thể giải quyết những thiếu thốn tạm thời trong khi đẩy mạnh hoạt động sản xuất chip của mình để thay thế hoàn toàn sản phẩm Mỹ.

Theo Bloomberg, Huawei giờ đây càng có thêm động lực để thúc đẩy kế hoạch phát triển chip của riêng mình.

Tuyên bố nới lỏng của ông Trump cũng giúp củng cố quan điểm của Huawei rằng công ty này đang được dùng làm đòn bẩy thương mại. Đây cũng là lời thừa nhận trực tiếp rằng chính quyền của ông đã cấm doanh nghiệp Mỹ bán cho Huawei nhiều dòng sản phẩm mà không hề vì lí do an ninh, đồng thời cho thấy Huawei chỉ là một mục tiêu chính trị.

Chỉ trong vài phút, ông Trump đã truyền đạt lại nguyên vẹn thông điệp mà phòng quan hệ công chúng (PR) của Huawei đã cố gắng nói với cả thế giới từ nhiều tháng nay.

Còn nhớ khi ban hành lệnh hành pháp ngày 15/5 về mối nguy hại của việc bán công nghệ Mỹ cho doanh nghiệp Trung Quốc, ông Trump đã dùng những câu chữ với giọng điệu hết sức nghiêm trọng như "những thảm họa tiềm tàng", "mối đe dọa ghê gớm tới an ninh quốc gia" …

Giờ đây, sau cuộc gặp chỉ dài hơn 1 giờ đồng hồ với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ông Trump đã đồng ý nới lỏng lệnh cấm và cho phép Huawei mua một số sản phẩm từ doanh nghiệp Mỹ. Vậy rốt cuộc Huawei có phải mối đe dọa tới an ninh quốc gia của Mỹ hay không?

Sự thay đổi quan điểm này của chính quyền ông Trump đã cho Bắc Kinh thấy chính sách an ninh của Washington hiện nay thiếu ổn định như thế nào.

Ông Trump không phải là người duy nhất muốn kết hợp chiến tranh thương mại với công nghệ. Thủ lĩnh phe thiểu số ở Thượng viện – Thượng nghị sĩ Dân chủ Chuck Schumer từng nói "Huawei là một trong những đòn bẩy hữu lực mà chúng ta nên tận dụng để buộc Trung Quốc phải chơi đẹp trong lĩnh vực thương mại".

Giờ đây, bất kể mặt trận thương mại có diễn biến và kết cục ra sao, một bức màn sắt (iron curtain) kĩ thuật số - nhằm chia cắt thế giới công nghệ thành hai phạm vi ảnh hưởng riêng biệt – sẽ tiếp tục được buông xuống. Và không có thỏa thuận thương mại nào có thể chấm dứt được cuộc chiến tranh lạnh trong lĩnh vực công nghệ này.

Song Ngọc, Kiên Dương

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.