Bloomberg: Năm 2018, Chính phủ Việt Nam dự kiến bán số cổ phần gấp 6,5 lần năm ngoái
Ngành điện rốt ráo IPO | |
Chuyển động thoái vốn ngân hàng | |
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Thoái vốn Sabeco là bài học sâu sắc trong cổ phần hoá giúp chống tham ô tham nhũng |
Năm 2018, đẩy mạnh thoái vốn nhà nước
Năm 2018, số cổ phần tại các doanh nghiệp nhà nước mà Chính phủ Việt Nam bán dự kiến gấp 6,5 lần năm ngoái, Bloomberg trích lời của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Bloomberg Television. Trong năm 2017, Chính phủ đã thu về 135,6 nghìn tỷ đồng từ các thương vụ thoái vốn khỏi một số doanh nghiệp nhà nước.
“Chúng tôi cần nhiều vốn ngoại hơn nữa, nhưng phải là những nhà đầu tư đủ mạnh để giúp các doanh nghiệp của chúng tôi cải thiện được hệ thống quản trị,” Phó Thủ tướng nói. Dự kiến trong năm 2018, Chính phủ Việt Nam sẽ thoái vốn trong lĩnh vực năng lượng, điện và dầu khí.
Ảnh: Bloomberg |
Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ đang lên kế hoạch kế tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong nhiều lĩnh vực, bao gồm cả ngân hàng. Riêng trong quý I/2018, Chính phủ dự kiến sẽ tiếp tục thoái vốn tại 4 công ty, gồm Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn, Tổng Công ty Dầu Việt Nam, Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam và Công ty Cổ phần Bia Rượu Nước giải khát Hà Nội (Habeco). Hiện tại, Chính phủ Việt Nam vẫn đang nắm giữ cổ phần tại 245 doanh nghiệp nhà nước.
Dự báo cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2018
Năm 2017, kinh tế Việt Nam ghi nhận tốc độ tăng trưởng 6,8% và trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Tuy nhiên, Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng nợ công cao, một yếu tố làm hạn chế khả năng tăng cường chi tiêu của Chính phủ.
Theo dự đoán của HSBC, nợ công của Việt Nam có thể chạm mức trần 65% GDP trong năm 2019. Cũng theo ngân hàng này, Việt Nam là quốc gia cần phải cải cách tài chính nhất khu vực Đông Nam Á.
Phó Thủ tướng dự đoán kinh tế Việt Nam năm 2018 có thể tăng trưởng cùng tốc độ với năm 2017 (6,8%), tức là cao hơn mục tiêu 6,7% mà Chính phủ đặt ra, dù vẫn phải đối mặt với rủi ro thế giới tăng cường bảo hộ thương mại.
“Kinh tế Việt Nam vẫn phải đối mặt với một số rủi ro và thách thức nhưng thách thức lớn nhất sẽ là, chúng ta vừa muốn tăng trưởng nhanh hơn lại vừa muốn tăng trưởng bền vững trong bối cảnh nền kinh tế thế giới có những biến động không lường trước được,” Phó Thủ tướng nhận định.
Cũng theo Phó Thủ tướng, các bất ổn toàn cầu có tác động trực tiếp và nhanh chóng đến Việt Nam trong khía cạnh thương mại, đầu tư và tiền tệ.
Chính phủ Việt Nam sẽ tập trung củng cố hệ thống ngân hàng và tìm cách hạ lãi suất cho vay đối với khối doanh nghiệp, nhằm đưa sản xuất và du lịch trở thành động lực tăng trưởng chính của cả nền kinh tế, Phó Thủ tướng cho hay.